Heo đi cày
10-03-2015 admin
Nhà tui không nuôi bò, chỉ có một bầy heo với một bầy trâu. Đứng trong nhà dòm ra thì chuồng trâu ở phía tay trái, chuồng heo ở phía tay mặt. Ở xứ này, mùa mưa là muỗi kêu như sáo thổi, trâu hay heo gì cũng phải giăng mùng cho nó ngủ.
Đầu canh năm, bà nhà kêu tui thức dậy, mở chuồng lùa trâu ra ruộng cày. Tui chỉ để ý một điều là lúc ngủ phải quay đầu vô vách để khi giật mình đứng lên, đi ngay ra mở chuồng trâu phía tay trái, rồi lùa đi.
Giống trâu ở nhà tui là giống trâu "phồn" rất to con và mạnh: vai ngang, bụng eo thắt, mông to... Hôm đó, hừng đông, tui lùa hai con trâu "phồn" ra ruộng, gách ách cày. Nhưng không hiểu sao hai con trâu hôm ấy chúng lại cày hăng quá, bước đi ào ào nhanh vô cùng. Khoảnh đất một mẫu tây, cặp trâu đã cày khoảng được gần một nửa thì mặt trời ló mọc. Cặp trâu bắt đầu đi chậm lại, tui cứ cầm cày, mặt ngó xuống đường cày, miệng la: "Ví! Thá!...", tay thì quất roi tới tới. Nhưng lạ đời, chẳng những hai con trâu không chịu nghe "ví, thá" gì mà miệng cứ thở hồng hộc, bước đi lệch bệch...
Cày thêm một lúc nữa, hai con nằm ì ra. Tui nổi giận đánh mỗi con một roi thật mạnh. Nó la một tiếc "éc". Đến chừng nhìn kỹ lại tui mới bật ngửa ra... Hồi khuya, vì vợ tui sửa lại cái chõng ngủ ngược đầu, trước khi đi ngủ tui quên để ý. Đến chừng nghe bả kêu, ba sờ ba sết bật dậy, tui cứ đi ngay ra mà mở chuồng phía tay trái như hằng bữa. Ai ngờ mở lộn nhằm chuồng heo.
Cọp say lúa
Bác Ba Phi trai tài, bác Ba Phi gái cũng giỏi. Một đêm cọp mò về làng bắt heo và chó. Bác Ba Phi gái đem thóc đổ ra cối để xay. Bác trai gọi bác gái vào nhà có việc. Mấy con chó lẩn quẩn đứng chung quanh cối. Có một con cọp không rõ đứng rình từ bao giờ, thấy bác gái vừa đi khỏi, liền nhảy vô nhà bắt chó. Hai cái chân trước của cọp vồ trúng ngay giàng xay. Cọp gỡ mãi không ra, cứ kéo lui, kéo tới, kéo hoài. Cối gạo vừa đổ một loáng đã xay hết. Bác Ba Phi gái lại mang thúng thóc khác đổ vào cối cho cọp xay. Cọp cứ phải xay hoài. Bác gái bắt nó xay hết 25 giạ lúa mới thả cho nó ra.
Ven rừng U Minh thủa trước
Người ta nói ở Cạnh Đề: "Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh", chớ vùng này, những năm đầu mới khai rừng thì người ta hay hát đưa em như vầy: " Ở đâu bằng xứ Lung Tràm, chim kêu như hát bội, cá lội vàng như mắm nêm".
Mỗi buổi sáng, giấc hừng đông, lúc đài Hà Nội báo thức thì lũ giang sen, chàng bè, gà dãy, lông ô, khoan cổ, chàng bè... ra tập "thể dục" rần rần. Con nhỏ đứng trước, con lớn đứng sau chẳng khác nào cuộc duyệt quân, thiên binh vạn mã. Loại trích cồ tuy nhỏ con nhưng làm "thầu hồ" nháy nháy cặp mắt màu ve chai, niểng cái đầu có mồng đỏ chót, là "tò le tét le". Vợ chồng nhà quạ nghe vậy, từ trong cũng vội vã bay ra "dạ" rân. Đám vạc ăn đêm về ngủ nướng ở những bụi rậm, giật mình thức giấc, "nhảy mũi" hạt hạt. Trong vườn "đội nhạc công" chìa vôi thổi gió véo von. Dòng họ nhà chim bắt muỗi cũng gõ đầu hòa tấu "toang toang". Đấy chú cưỡng bông đậu chót vót trên cành cao lé mắt "thổi kèn Tây"; chị em tu hú thấy hừng đông, chạnh lòng nhớ quê cất tiếng kêu não nuột. Ngoài mé ruộng nhà, anh chàng nghịch dầm mưa long óc mấy ngày cứ gù lưng "nhảy mũi khìn khịt". Tội nghiệp cho bác mỏ nhác, ăn chi mà đau bụng rên "tằng yết, tằng yết" sáng đêm. Trời vừa tảng sáng, cậu rắn hổ đất đã thổi bể phù phù cho anh chim trảo chẹt "rèn" những cây phản gỗ nghe choảng choảng...
Ở ven rừng U Minh thưở ấy, vào những buổi sáng thật vui vẽ rộn rã làm sao! Ai đi làm đồng trước đó cũng phải nán lại ít nhất ít phút để nghe bản "nhạc rừng hòa tấu".
Lũ chim chóc ngày đó dạn khì, chúng sống lẫn lộn với bầy gia súc. Chàng bè rề rề theo đổ trống vịt xiêm, vịt đẻ... khi trứng nở ra con nào con nấy cái mỏ nhọn thon như mũi kéo. Vịt ta đi đạp mái giang sen, làm con cái giang sen chân lùn tịt, con nào cũng có giọng kêu "cạp cạp". Lạ đời nhất là loại cúm núm, chúng sống chung lộn với gà nhà, lâu ngày cúm núm ngoài đồng, con trống nào cũng có hai cái cựa nhọn lểu. Còn gà trống trong nhà thì đêm đêm cất tiếng gáy vang : "Ò ó o... cúm ! Ò ó o... cúm!".
Bắt cá kèo
- Hồi xưa bác cũng đi bắt cá kèo nữa hả, bác Ba?
Bác Ba đang cùng với mấy đứa cháu lối xóm ngồi chuyện trò từ trưa đến giờ dưới gốc bụi tre tàu trước nhà. Gió chướng thổi xạc xào cành lá. Ngồi thấy bác Ba có vẻ mỏi mệt, không muốn kể chuyện thêm nữa, thằng Truyền cắc cớ, kiếm chuyện hỏi thêm.
- Ừ! Cá kèo tao bắt dữ lắm. Có hôm lấy ghe mà chở - Bác Ba trả lời.
- Thiệt vậy hả bác? Ủa mà hồi đó bác bắt cá kèo ở đâu vậy?
Thằng Truyền lại hỏi, vẻ mặt coi bộ nghi ngờ, khó hiểu. Mấy đứa trẻ khác thì mở trừng mắt nhìn theo mấy ngón tay đang múa may như phù phép của bác.
- Nè, coi tao bắt đây! Bác Ba đứng dậy trỏ một ngón tay xuống đất. Tụi con nên nhớ vùng biển Đá Bạc của mình hồi đó vô cho tới tận con kinh Lung Tràm này. Cá kèo lội đặc như bánh canh trong nồi. Nhưng ngày xưa mà, đâu có phương tiện gì nhiều để bắt cá kèo như bây giờ. Chủ yếu là bắt bằng tay thôi. Cũng không phải ai cũng bắt bắng tay giỏi như tao. Tụi con coi đây.
Bác Ba xòe hai bàn tay giơ lên.
- Đơn giản như vầy chứ mỗi lần tao thò tay xuống sông rồi giở tay lên là bắt được mười con, mỗi kẽ tay một con, nằm im không vẫy gì được. Cá kèo coi nó trơn lùi vậy chớ không con nào chạy tuột ra khỏi được tay tao đâu.
Mấy đứa nhỏ ngồi nghe chợt thấm ý, bật cười, cái đầu tụi nó gục gặc. Chỉ riêng thằng Truyền không nói, cũng không cười. Nó ngồi yên, chỉ đưa hai bàn tay ra trước mặt, cái miệng nó lép nhép nói gì như đếm thầm. Vụt một cái nó đứng dậy bước tới, nắm tay áo bác Ba Phi lại, hỏi:
- Bác mới vừa nói mỗi kẽ tay bác bắt một con. Hai bàn tay có tám kẽ tất cả, vậy làm sao bác bắt được mười con một lần?
Thằng nhỏ bất ngờ hỏi "trẹo cẳng ngỗng", bác Ba đớ người một lúc rồi đưa tay vỗ vỗ xuống đầu nó như thể nựng nịu. Bác xuống giọng:
- Đúng thế. Thằng Truyền hỏi đúng. Thông thường làm gì bắt được một lúc mười con cá kèo như vậy. Nhưng vì tay tao bắt cá "dính" quá, nên có số cá kèo nịnh lội tới lội lui, chực sẵn bên ngoài, chờ tao thò bàn tay xuống mỗi lần như vậy, là chúng nó nhào vô hai con một lượt để "dính ké". Nhờ vậy mà mỗi lần tao giơ tay lên thì được đến mười con!