Mô đất biết đi
10-03-2015 admin
Bữa đó, tui vác phảng ra đồng như thường lệ. Nghĩa là nghe cúm núm kêu chừng hết canh tư, thì tui đã có mặt ngoài ruộng. Đồng nước mênh mông ngập tới ba đì, lạnh run lên, không tìm được một mô đất mà để viên đá mài phẳng. Tui lội vòng vo cho tới hừng đông, may thay gặp được một mô đất thật cứng, cao hơn mực nước độ hai gang tay. Tui rề lại, để viên đá mài lên, ngồi mài phảng. Mài "nước lớn", tui lại mài "nước ngọt" rồi liếc mép. Xong đâu đó, tui còn mở gói thuốc giồng ra vấn một điếu hút phì phèo.
Đến khi trời sáng rõ mặt, tui trực nhìn lên :
- Ủa ! Ở đâu mà vườn tược rậm rạp, trông lạ quá vậy kìa? Quái lạ! Tại sao lại ở ngay nhà mình?
Rõ ràng, bên tay phải tui là cái chuồng trâu, tay trái chuồng heo, chính giữa có bếp nấu cơm. Bà vợ tui đang lom khom chụm bếp. Thiệt là như một cảnh chiêm bao, tôi không tài nào hiểu được.
Cuối cùng, vợ tui bước ra, ngẩng lên, vụt la chói lói:
- Bớ người ta ơi! Làm ơn cứu chồng tui với!
Tui bật cười:
- Bộ bà điên hả ?
Bả đứng nhìn tui mà mặt mày tái mét, đưa tay ngoắc:
- Ông ơi ! Ông phóng xuống, chạy lai đây, mau đi!
Tui cười hề hề, thủng thỉnh bịt khăn đầu rìu qua trán, lấy cục đá mài, vác phảng lên, bước xuống khỏi mô đất, đi lại bên vợ tui.
Bả nắm vai tui, xoay ngược lại :
- Ông ngó trở lại coi, kìa !
Tui nhìn lại cái mô đất mình vừa mới bước xuống. Úy trời đất, thánh thần, thổ võ ơi ! Con rùa ! Con rùa vàng lớn quá trời. Té ra tui ngồi mài phảng trên lưng nó hồi hôm tới giờ mà không hay.
Khỉ cười chết nhăn răng
Thường ngày bác Ba đi phát, thì xách theo mo cơm với đồ ăn và cái ấm đựng nước uống. Bác ăn thứ gì, thì cho con khỉ ăn thứ đó. Vậy mà bữa nọ, bỗng bác quên phứt chuyện đem cơm ăn làm buổi đúng, thành thử bác gái phải đem cơm ra ruộng.
Cơm nước xong, thấy trời nắng gắt, hai bác mới kéo nhau vô lùm cây ngả lưng tránh nắng. Thấy bác trai mần cực khổ, bác gái thương tình âu yếm. Bác trai nằm trong lòng cho bác gái nhổ tóc bạc chơi. Ngó ngoài đồng hoang vắng, gió mát, trời trong, bác trai động lòng phàm tục. Tới chừng ngó lại thì thấy con khỉ dòm lom lom, bác gái mắc cỡ, rủa yêu:
- Đồ quỉ! Làm ăn gì bất nhơn quá, hổng sợ con cháu nó cười.
- Cười cái con khỉ ! - Bác Ba quay qua, bỗng thấy con khỉ ngồi nhăn răng cười thiệt.
Chiều về, cơm nước xong, bác Ba bắc ghế ra sân hóng mát, thì con khỉ bỗng biết kêu: Chí! Chí!
Bác Ba sực nhớ chuyện hồi trưa, sợ lộ nên đưa đầu cho con khỉ bắt chí. Từ đó, nó truyền nghề cho con cháu sau này.
Ở với người riết rồi con khỉ học được chuyện nói tiếng người. Một hôm, nó hỏi bác Ba: Tại sao con sáo bác nuôi mà không nhốt trong lồng, còn nó thì luôn luôn bị xiềng xích?
Nghe nó hỏi, bác Ba bí rị. Mà thiệt tình là như vậy. Con khỉ thì đi làm đúng buổi với bác, còn sáo thì ở nhà nhông nhổng suốt ngày, lại còn được bác hái ớt hiểm cho ăn, bắt cả cào cào bỏ vào keo, đem về đút từng con cho nó. Bác ba suy nghĩ một lát rồi trả lời :
- Tại vì nó biết bắt chước, mày không thấy sao ? Mỗi lần đi làm về, nó đều nói theo sắp nhỏ : "Hoan hô bác Ba"!
Nó chỉ bắt chước chuyện người ta nói, còn mày thì bắt chước chuyện người ta làm. Tao phát cỏ thì mày phát; tao cấy thì mày cấy. Ở đời, bắt chước người ta nói thì được. Ví như tao đi làm về đang mệt mà nghe nó nói "hoan hô bác Ba" thì sướng còn hơn đi lên cung trăng. Còn mày mà lỡ sút xiềng ra, mày bắt chước tao… thì có nước tao vọt xuống sông, đội lục bình!
Nhớ tới chuyện cũ, con khỉ ôm bụng cười lăn cho đến đứt ruột mà chết. Nó chết nhăn răng, thế mà bác Ba cứ tưởng rằng nó đang cười. Tới chừng quạu quá, bác lấy chân đá cho nó một cái, mới hay là nó đã chết tự hồi nào.
Còn con sáo, không biết đứa nào cắc cớ dạy cho nó nói tầm bậy. Lần ấy, bác Ba đi làm về mệt, bác không nghe nó nói "hoan hô bác Ba" như mọi bữa nữa, mà thay bằng một câu khác.
Nó vừa nói lên mấy tiếng "Bác Ba lấy…", thì bỗng đâu con mèo từ xa nhảy đến, chụp lấy cái rẹt, cắn cổ con sáo, tha tuốt lên nóc nhà.
Bác Ba lấy chiếc khăn rằn, lau mồ hôi trán, thở phào nhẹ nhõm.
Ếch đờn vọng cổ
Tui có bầy vịt, hễ bum búp lông cánh là lần lượt bị mất sạch trơn. Tức quá, rình mò mấy bữa tui mới biết là bị ếch ăn. Chỗ đuôi đìa, dưới gốc bụi tre có một hang ếch lớn quá cỡ.
"Ăn thịt vịt tao thì mày phải đền mạng" - Nghĩ vậy, tui mới lấy sợi dây thép quai thùng dầu uốn thành một lưỡi câu, lấy sáu sợi dây chì bệnh lại làm nhợ, một đầu buộc con vịt xiêm vừa ra ràng, một đầu buộc vào bụi tre.
Mặt trời lên độ một con sào. Tôi ngồi rình, thấy một con ếch bà từ trong góc tre lù lù lội ra. Con ếch thấy con vịt, men lại ngửi ngửi rồi lắc đầu, bỏ đi. Biết nó chê con vịt này còn hôi lông nên chưa chịu ăn. Bữa sau, tui đổi một con vịt mái đang đẻ, mập sà đít. Hừng sáng là tui cũng đến chổ hôm qua ngồi rình.
Cũng đến lúc mặt trời lên độ một con sào, con ếch bà đó lại cũng vạch bèo lội ra. Trông thấy con vịt ta mập ú, nó ngó dáo dác, mặt mày hớn hở, gật gật đầu mấy cái. Con ếch khỏa bèo, hớp nước súc miệng sào sạo, phun ra cái phèo rồi chồm tới bên con vịt. Nó nhướng mắt, táp bụp rồi nhai rau ráu, nuốt một cái ực. Như vướng phải lưỡi câu, nó nhợn trở ra. Thấy tình thế không xong, tui vụt đứng dậy la "ếch" một tiếng. Con ếch giật mình nhào ngang, bị lưỡi câu xóc hàm hạ, nó giãy đùng đùng sáu sợi nhợ cây thẳng băng. Nó lúc la lúc lắc cái đầu, sáu sợi dây chì rẽ quạt ra. Hai tay nó quày lia lịa. Sáu sợi dây bật ra những tiếng kêu bỗng trầm "tằng tăng, tủng tẳng" khác nhau. Tui ngồi nghe. Sao có chổ vô sang, ra hò mùi quá! Một hồi phát ngứa miệng, tui ứng thanh theo, ca bậy vài câu vọng cổ chơi...
Thu hoạch lưỡi nai
Năm ấy, mấy chục công lúa tui đang cấy cặp mé rừng, tới mùa không còn thu hoạch được một hột để nhổ râu. Lúc lúa đứng cái, lũ nai kéo về cả bầy, ăn tới tới. Cất chòi giữ ngày giữ đêm, giật banh mất chục cái thùng thiếc mà chúng vẫn trơ trơ không sợ. Đánh bẫy, giặng giò bắt được một, thì chúng kéo lại hai. Nai chà tràn vô xóm rượt chém bò cổ, nhảy đực bò cái, đẻ ra con nào cũng có nhánh nhóc.
Ai cũng bảo là chắc phải để xứ này cho nai ở. Tui nhất định không chịu thua, cố tìm hết cách để trị lũ nai này. Đêm đêm tui đi rình xem cách chúng ăn lúa. Nó ăn cũng như trâu bò ăn vậy thôi. Nghĩa là lưỡi cũng le ra, nghoéo gọn bụi lúa rồi giựt mạnh lên.
Tui về nhà, ngồi suy nghĩ, nhủ thầm: “Như vậy là chết cha chúng mày rồi!”. Xách mác ra vườn, tui đốn những cây tre lồ ô mang vô. Tui lần lượt bập nhẹ nhẹ lưỡi mác vào cật cây tre rồi lẩy ra lấy một miếng cật tre dài cỡ chiếc đũa bếp, hai bề cạnh bén như nước. Làm tới chiều, tui đem ra ruộng, mỗi bụi lúa tui cắm vào giữa một miếng tre cho thật chắc. Làm xong về nhà, tui biểu mấy đứa nhỏ cứ việc ngủ cho thẳng giấc đi, đừng lo canh tuần gì nữa.
Sáng bữa sau, tui chống chiếc xuống be ra ruộng. Tui xăn quần lội xuống, tay nắm be xuồng dắt tới, vừa đi vừa mò theo từng gốc lúc mà lượm lưỡi nai. Thứ tre lồ ô chẻ mỏng, cật bén như nước. Vô phúc cho con nai nào nhè ngoéo cái lưỡi vô đó mà giật lên thì thế nào cũng phải đứt lưỡi ra.
Mùa đó, ngoài cái chuyện bán thịt lưỡi nai tươi cho bà con lối xóm nhậu chơi, tui còn phơi khô chở lên Sài Gòn bán cho cửa hàng mua để xuất sang Hồng Kông, Singgapo được một tấn hai lưỡi nai khô. Không tin thì hỏi bả thử coi.