Vui Một Chút

Cười là vui, vui càng phải cười.

Trước Tiếp theo

10-03-2015

Người ta nói ở Cạnh Đề: "Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh", chớ vùng này, những năm đầu mới khai rừng thì người ta hay hát đưa em như vầy: " Ở đâu bằng xứ Lung Tràm, chim kêu như hát bội, cá lội vàng như mắm nêm".
Mỗi buổi sáng, giấc hừng đông, lúc đài Hà Nội báo thức thì lũ giang sen, chàng bè, gà dãy, lông ô, khoan cổ, chàng bè... ra tập "thể dục" rần rần. Con nhỏ đứng trước, con lớn đứng sau chẳng khác nào cuộc duyệt quân, thiên binh vạn mã. Loại trích cồ tuy nhỏ con nhưng làm "thầu hồ" nháy nháy cặp mắt màu ve chai, niểng cái đầu có mồng đỏ chót, là "tò le tét le". Vợ chồng nhà quạ nghe vậy, từ trong cũng vội vã bay ra "dạ" rân. Đám vạc ăn đêm về ngủ nướng ở những bụi rậm, giật mình thức giấc, "nhảy mũi" hạt hạt. Trong vườn "đội nhạc công" chìa vôi thổi gió véo von. Dòng họ nhà chim bắt muỗi cũng gõ đầu hòa tấu "toang toang". Đấy chú cưỡng bông đậu chót vót trên cành cao lé mắt "thổi kèn Tây"; chị em tu hú thấy hừng đông, chạnh lòng nhớ quê cất tiếng kêu não nuột. Ngoài mé ruộng nhà, anh chàng nghịch dầm mưa long óc mấy ngày cứ gù lưng "nhảy mũi khìn khịt". Tội nghiệp cho bác mỏ nhác, ăn chi mà đau bụng rên "tằng yết, tằng yết" sáng đêm. Trời vừa tảng sáng, cậu rắn hổ đất đã thổi bể phù phù cho anh chim trảo chẹt "rèn" những cây phản gỗ nghe choảng choảng...
Ở ven rừng U Minh thưở ấy, vào những buổi sáng thật vui vẽ rộn rã làm sao! Ai đi làm đồng trước đó cũng phải nán lại ít nhất ít phút để nghe bản "nhạc rừng hòa tấu".
Lũ chim chóc ngày đó dạn khì, chúng sống lẫn lộn với bầy gia súc. Chàng bè rề rề theo đổ trống vịt xiêm, vịt đẻ... khi trứng nở ra con nào con nấy cái mỏ nhọn thon như mũi kéo. Vịt ta đi đạp mái giang sen, làm con cái giang sen chân lùn tịt, con nào cũng có giọng kêu "cạp cạp". Lạ đời nhất là loại cúm núm, chúng sống chung lộn với gà nhà, lâu ngày cúm núm ngoài đồng, con trống nào cũng có hai cái cựa nhọn lểu. Còn gà trống trong nhà thì đêm đêm cất tiếng gáy vang : "Ò ó o... cúm ! Ò ó o... cúm!".

- Hồi xưa bác cũng đi bắt cá kèo nữa hả, bác Ba?

Bác Ba đang cùng với mấy đứa cháu lối xóm ngồi chuyện trò từ trưa đến giờ dưới gốc bụi tre tàu trước nhà. Gió chướng thổi xạc xào cành lá. Ngồi thấy bác Ba có vẻ mỏi mệt, không muốn kể chuyện thêm nữa, thằng Truyền cắc cớ, kiếm chuyện hỏi thêm.

- Ừ! Cá kèo tao bắt dữ lắm. Có hôm lấy ghe mà chở - Bác Ba trả lời.

- Thiệt vậy hả bác? Ủa mà hồi đó bác bắt cá kèo ở đâu vậy?

Thằng Truyền lại hỏi, vẻ mặt coi bộ nghi ngờ, khó hiểu. Mấy đứa trẻ khác thì mở trừng mắt nhìn theo mấy ngón tay đang múa may như phù phép của bác.

- Nè, coi tao bắt đây! Bác Ba đứng dậy trỏ một ngón tay xuống đất. Tụi con nên nhớ vùng biển Đá Bạc của mình hồi đó vô cho tới tận con kinh Lung Tràm này. Cá kèo lội đặc như bánh canh trong nồi. Nhưng ngày xưa mà, đâu có phương tiện gì nhiều để bắt cá kèo như bây giờ. Chủ yếu là bắt bằng tay thôi. Cũng không phải ai cũng bắt bắng tay giỏi như tao. Tụi con coi đây.

Bác Ba xòe hai bàn tay giơ lên.

- Đơn giản như vầy chứ mỗi lần tao thò tay xuống sông rồi giở tay lên là bắt được mười con, mỗi kẽ tay một con, nằm im không vẫy gì được. Cá kèo coi nó trơn lùi vậy chớ không con nào chạy tuột ra khỏi được tay tao đâu.
Mấy đứa nhỏ ngồi nghe chợt thấm ý, bật cười, cái đầu tụi nó gục gặc. Chỉ riêng thằng Truyền không nói, cũng không cười. Nó ngồi yên, chỉ đưa hai bàn tay ra trước mặt, cái miệng nó lép nhép nói gì như đếm thầm. Vụt một cái nó đứng dậy bước tới, nắm tay áo bác Ba Phi lại, hỏi:

- Bác mới vừa nói mỗi kẽ tay bác bắt một con. Hai bàn tay có tám kẽ tất cả, vậy làm sao bác bắt được mười con một lần?

Thằng nhỏ bất ngờ hỏi "trẹo cẳng ngỗng", bác Ba đớ người một lúc rồi đưa tay vỗ vỗ xuống đầu nó như thể nựng nịu. Bác xuống giọng:

- Đúng thế. Thằng Truyền hỏi đúng. Thông thường làm gì bắt được một lúc mười con cá kèo như vậy. Nhưng vì tay tao bắt cá "dính" quá, nên có số cá kèo nịnh lội tới lội lui, chực sẵn bên ngoài, chờ tao thò bàn tay xuống mỗi lần như vậy, là chúng nó nhào vô hai con một lượt để "dính ké". Nhờ vậy mà mỗi lần tao giơ tay lên thì được đến mười con!

Hồi đó, ở cặp theo mé rừng U Minh này có làm ruộng nương, rẫy bái gì được đâu! Heo rừng ngày đêm kéo từng bầy ra phá phách chịu không nổi. Những con heo nọc chiếc lớn như con bò, đi ra tới xóm, rượt nhảy đực heo nái nuôi trong nhà. Heo đẻ ra con nào mình mẩy cũng sọc dưa, mỏ nhọn thon thon.

Năm đó, tui có trồng mười công khoai lang với khoai môn. Khoai trúng thôi là trúng. Khoai lang lá mướt rượt như thoa mỡ, đọt bò vượt vượt. Còn khoai môn, tụi con nít ngắt mấy lá lớn thả lật ngửa dưới kinh làm xuồng bơi qua bơi lại. Vậy mà chỉ trong vòng một đêm thôi, tui mắc công chuyện phải đi sông Ông Đốc, mười công khoai bị heo ăn sạch bách. Ra thăm rẫy, tui thấy mà buồn ghê. Heo lớn, heo nhỏ gì cũng ủi lút nửa con xuống đất để ăn củ khoai. Tức bụng quá, tui chạy tuốt về nhà lấy cây mác vót ra. Cây mác của tui bén như nước. Tui đi nhẹ nhẹ, cứa cho mỗi con một mác vào lưng. Cứa xong, tôi vỗ tay nạt lớn : "Heo! Ơi là trời!". Bầy heo giật mình nhảy dựng lên, định tốc chạy. Nhưng đâu có dễ ! Giống heo rừng xương sống ngay đơ lưng như cây đòn gánh, hễ con nào phóng mạnh một cái là sụm ngay.

Tui kêu bả chống xuồng ra, chở về xẻ thịt, đem đi bán. Mùa đó tui bán thịt heo rừng lấy tiền lại lời gấp mười công khoai bị chúng ăn.

Nên biết là giống kỳ đà thích ở trong bọng cây. Hễ động động là chúng chun trốn, có trời mà kéo ra. Bốn chân nó giương móng thật sắc, bấu cứng vào bọng cây, nắm đuôi kéo ra chỉ có nước là đứt ngang thôi. Cách duy nhất là muốn bắt được kỳ đà chun trong bọng cây thì phải dần khúc đuôi cho nhừ ra, rồi lấy gừng thật cay đắp vô, chừng đó nó tự nhiên rũ riệt gân cốt, tuột ra thôi.

Vùng này có rất nhiều loại cây lớn mà bọng ruột như cây cuôi, tràm, trâm ... kỳ đà về bao nhiêu cũng đủ chỗ để chun trốn. Mấy vạn săn Sông Đốc, Đường Ranh thảy đều thúc thủ vô mưu. Riêng tui, đâu có chịu thua một cách dễ dàng. Thấy kỳ đà về mỗi lúc một nhiều, tui đến tận chỗ nghiên cứu mấy ngày nghĩ ra cách bắt chúng.
Đã nắm được chỗ yếu của nó rồi, tui về làm bẫy cò ke, gài bắt sống độ vài chục con, loại kỳ đà đực, thứ chạy giỏi nhất. Mỗi con tui buộc vô chót đuôi một củ gừng già, rồi cứ thả cho nó về nhập bầy. Chờ lúc chúng kéo nhau ra đi ăn, tui mới dắt chó tràn đến rượt chí tử. Lũ kỳ đà chạy về chỗ trú, chun hết vô bọng cây. Một bọng cây lớn chúng chun vô đến mấy chục con. Mỗi cây còn có một con ló đuôi ra, vì nó chạy sau chót. Tui sai bầy trẻ bắt ong vò vẽ ra cho chích vào khúc đuôi của con sau chót ló ra ngoài đó. Con kỳ đà bị ong chích đuôi đau quá nên nghiến răng chịu đựng. Nó nghiến nhằm chót đuôi con trên. Con bị bạn nhai đuôi đau quá nên cũng nghiến răng chịu, lại nghiến vào chót đuôi con trên nữa. Cứ như vậy, chúng bắt từ dưới nhai đuôi nhau vần công dài lên. Lên tới con trên hết, con kỳ đà đực mà tui buộc một cục gừng đó. Nó bị bạn nhai vào cục gừng. Rồi con nhai cục gừng bị cay quá nên chảy nước miếng ra. Con kế dưới nhấm phải nước miếng cay cũng bắt đầu chảy nước miếng dài xuống như vậy. Nước miếng có chất gừng cay chảy dài xuống, tự thấm vào đuôi chúng và chúng tự rủ riệt gân cốt mà tuột ra khỏi bọng cây. Chừng đó mình mặc sức bẻ móng, rút gân, trói ké chúng, chở đem đi chợ bán.

Trước Tiếp theo

Các bài viết liên quan

1. Bệnh của giáo sư (Tạo ngày: 1422607665)

2. Cuộc thi kì lạ (Tạo ngày: 1422670598)

3. Vô duyên (Tạo ngày: 1422847070)

4. Giàu có (Tạo ngày: 1422847108)

5. Con gái kiểu internet (Tạo ngày: 1422847155)

6. Gọi điện về nhà hỏi thăm tin tức (Tạo ngày: 1422847231)

7. Trung tâm máy tính (Tạo ngày: 1422847277)

8. Khi microsoft mở quán bar (Tạo ngày: 1422847364)

9. Câu chuyện máy tính (Tạo ngày: 1422847471)

10. Mày để cho nó một chút (Tạo ngày: 1422847854)

Tất cả bình luận (0)

  • 500 ký tự
  • Capcha: