Cứ đến vả vào mồm tôi
06-09-2018
Có người đi hỏi thầy bói: "Ông xem tôi sẽ sống được bao lâu?"
Thầy bói tính toán một hồi lâu: "Ông thọ lắm, phải sống đến 94 tuổi!"
Người nọ lại vặn: "Có thật sống đến 94 tuổi không?"
Thầy bói trừng mắt: "Tôi xưa nay chưa từng nói láo. Nếu ông không sống đến 94 tuổi mà chết trước thời hạn đó thì lúc chết cứ đến đây mà vả vào mồm tôi"
Mẹo bắt hổ
Anh chàng nọ tính hay nói khoác. Một hôm, một con chim ri bị thương bay qua nhà, rơi xuống. Anh ta bắt lấy, cắm mũi tên của mình vào rồi ném sang nhà cô gái bên cạnh. Cô này rất thích săn bắn. Nhặt được mũi tên, có con chim, cô ta rất phục anh chàng nọ bắn giỏi, rồi đem lòng yêu mến anh ta.Sau đó hai người thanh vợ chồng.
Năm ấy, có một con hổ dữ thường về làng bắt bò, trâu, dê, có khi bắt cả người nữa. Làng liền cử anh chàng nọ đi săn cho bằng được. Anh ta rất lo, nhưng không biết làm thế nào, đành phải đi, muốn ra sao thì ra.
Vào đến rừng, anh ta tìm một cái hang thật kín trốn ở đây, sợ đến nỗi không dám ra ngoài ỉa đái nữa, phải bậy bạ ngay trong hang.
Vợ ở nhà chờ không thấy chồng về, sợ có chuyện gì xảy ra, liền vác cung nỏ vào rừng. Gặp hổ chị ta bắn một phát, tên trúng chỗ phạm hổ chết ngay. Rồi chị ta đi tìm chồng khắp mọi nơi. Cuối cùng thấy chồng trốn ở trong hang, xung quanh cứt đái bẩn thỉu. Chị ta kể chuyện bắn hổ, rồi hỏi chồng vì sao lại ở đây và phóng uế bừa bãi như thế. Anh chồng tỏ ý không bằng lòng, nói:
– Thôi mình làm hại tôi rồi. Hai ba ngày nay tôi chỉ chờ nó vào ăn cứt rồi bắt sống đem về nộp làng. Bây giờ mình bắn chết rồi, uổng công tôi quá!
Tôi ngu sao được
Nhà giàu nọ nuôi một đứa ở, nó bắt chú bé làm việc suốt ngày, không cho chơi nhởi một phút nào. Còn chú bé thì tinh nghịch và cũng khá thông minh. Một hôm lão ta đi chợ về. Bụng đói mà cơm chưa nấu. Chắc là chú bé mải chơi. Vừa lúc chú đi chăn bò về, lão lôi chú ra đập. Cứ một roi lão ta lại nói "Chừa đi nhá". Chú bé đau quá van:
– Ðau quá trời ơi! Ðau quá trời ơi!
– Mày đau chứ tao không thấy đau – Lão ta đáp lại.
Chú bé nhớ lấy câu đó. Một hôm khác lão ta đi thăm đồng về. Trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại , lão khát khô cổ. Chưa vào đến nhà lão đã sai chú bé:
– Múc cho tao bát nước, nhanh lên!
Chú bé chạy vội vào nhà, múc nước ra. Vì khát quá lão cầm lấy gáo uống luôn. Nhưng lập tức lão nhổ toẹt ra giữa nhà rồi quát lớn:
– Nước nóng như thế này mà mày đưa tao uống hả?
– Thưa ông con thò cán gáo vào ấm nước đang sôi mà chả thấy nóng! – Chú bé nhanh nhảu đáp.
– Ðồ ngu! Ðồ ngu! – Lão ta quát lớn.
Chú bé thấy lão mắc kế mình liền nói:
– Thưa ông tôi chẳng ngu đâu! Ông đánh tôi ông bảo ông không thấy đau. Như vậy tôi cũng bằng ông đấy chứ!
Bức thư lạ
Có anh lính đi xa, nhân có bạn ghế thăm, nhờ bạn đem về cho vợ ở nhà trăm quan tiền và một bức thư.
Giữa đường, anh bạn tò mò giở thư ra xem, không thấy biên số tiền gửi bao nhiêu cả, chỉ thấy vẽ bốn con chó, một hình bát quái, hai con dê và một cái chũm choẹ, nên nảy ra cái ý ăn bớt. Về đến nơi, anh ta chỉ giao cho vợ bạn bức thư và bốn chục quan thôi.
Người vợ xem thư biết thiếu tiền, lên quan nhờ phân xử. Quan hỏi :
– Chồng mày gửi người ta bốn mươi quan tiền, người ta mang về đưa tận tay cho, còn kiện nỗi gì?
Người vợ đáp :
– Bẩm quan lớn, anh ta ăn bớt ạ! Chồng con gửi cho những một trăm quan kia ạ! – Sao mày biết?
– Bẩm quan lớn, thư chồng con viết rành rành ra đấy xin quan xem thư, sẽ rõ!
Quan giở bức thư quái gở kia ra xem, không hiểu gì cả liền hỏi:
– Thế là thế nào? Bức thư không có chữ nghĩa gì cả, sao mày lại biết chồng mày gửi một trăm quan?
– Bẩm quan lớn, chồng con biến rõ ràng ra đấy. Bốn con chó là tứ cẩu, cẩu là cửu, tứ cửu tam thập lục, là ba mươi sáu. Bát quái có tám cạnh, bát bát vị chi lục thập tứ, là sáu mươi tư. Sáu mươi tư với ba mươi sáu chả là một trăm quan đó sao?
Quan cho phải, bắt anh kia trả số tiền. Nhưng ngài còn hỏi chị kia:
– Thế còn hai con dê và cái chũm choẹ là ý thế nào?
Chị ta sượng sùng không nói. Quan hỏi mãi mới thưa:
– Ðấy là nhà con vẽ đùa.
– Ðùa thế là có ý gì, phải nói ra.
– Bẩm quan lớn, hai con dê và cái chũm chọe là nhà con muốn hẹn con rằng, đến Tết Trùng dương (ngày 9 tháng 9) thì nhà con sẽ về thăm nhà… đấy ạ!
Trước
Tiếp theo