Tam đại con gà
06-09-2018
Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “xấu hay làm tốt , dốt hay nói chữ” , đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.
– Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy con trẻ.
– Một hôm, dạy sách Tam thiên tự , sau chữ “tước” là chim sẽ, đến chữ “kê” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy cuống, nói liều: “Du dỉ là con dù dì”. Thầy cũng khôn, sợ nhỡ sai, người nào biết thì xấu hổ, mới bảo học trò đọc khẽ, tuy cậy, trong long vẫn thấp thỏm.
– Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin ba đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Thổ công cho ba đài được cả ba.
– Thấy vậy, thầy lấy làm đắc chí lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào: Dủ dỉ là con dù dì… Dủ dỉ là con dù dì…
– Bố chúng đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng học, ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, hỏi thầy: Chết chửa ! Chữ “kê” là gà, sao thầy lại dạy ra “dủ dỉ” là con “dù dì” ?
– Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: “ Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa” , nhưng nhanh trí thầy vội nói gỡ: "Tôi vẫn biết ấy là chữ “kê”, mà “kê” nghĩa là “gà”, nhưng tội dạy thế là dạy cháu biết đến tận tam đại con gà kia."
– Nhà chủ càng không hiểu, hỏi: Tam đại con gà nghĩa làm sao?
– Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà!
Thần bia trả nghĩa
Có một ông lãnh binh, lúc nào trên lưng cũng đeo súng kè kè, nhưng lại bắn rất tồi. Có cái bia sau nhà, đứng cách mấy sải tay mà tập mãi vẫn chưa được phát nào tin. Chẳng may cho quan, bắn chưa thạo thì đã có lệnh gọi ra đánh giặc.
Vừa ra trận buổi đầu đã thua, bỏ mặc quân lính đấy chạy tháo thân. Nhưng giặc đuổi riết cố bắt cho được. Quan sắp đến đường cùng, bỗng có một vị thần ở đâu hiện ra, cõng quan chạy vào rừng. Vào đến giữa rừng, quan biết mình đã chạy thoát, mới hoàn hồn hỏi vị thần kia:
– Xin cho biết người ở đâu? Chẳng hay vì sao mà có lòng tốt cứu tôi như vậy?
Vị thần trả lời:
– Ta là thần bia ở trong vườn nhà ông. Trong bấy nhiêu năm ở nhà ông, nhờ ông có lòng nhân đức nên mới sống được đến ngày nay. Cảm cái ơn ấy, hôm nay ông lâm nạn, tôi cứu ông để trả nghĩa vậy!
Tài bắn giỏi
Tại vùng nọ có một anh, hễ ngồi đâu là khoe tài bắn giỏi, đi săn giỏi của mình. Một lần ngồi uống chè chát bên nhà hàng xóm, anh khoe với bà con một bận đi săn hổ hết sức li kì như sau:
– Tối hôm ấy, tôi có vào rừng săn hổ. Rình mãi, lần mò mãi, đến bên bờ suối thì thấy bên kia bờ cát trắng có một con hổ đang nằm ngủ dưới ánh trăng. Bà con có biết tôi làm gì không?
– Lấy súng ngắm hổ chứ gì? – Có người nói.
Anh ta cười:
– Bắn làm gì cho phí đạn. Nó đang nằm ngủ kia mà. Tôi liền nhẹ nhàng lội qua suối, đi quành ra phía sau nó, rồi nhảy tới đạp một chân lên bụng nó và ngay lập tức lấy dao cắt phăng cái đuôi nó nhanh như cắt.
Một người khác ngạc nhiên hỏi:
– Tại sao anh không cắt cái đầu hổ cho nó oai ?
Với giọng không sôi nổi nhiệt tình như trước nữa, anh ta đáp:
– Cái đầu hổ ấy à ? Thằng cha nào đã cắt mất từ lúc nào rồi.
Ðổi bò gầy lấy bò béo
Làng Yên Lược có một cái văn chỉ lộ thiên thờ Khổng Tử. Trâu bò trong làng thả ăn cỏ ở gần đấy kéo vào phóng uế cả ra bệ thờ. Bọn lý trưởng, cường hào thấy không tiện, bèn họp làng, giao cho Xiển phải trông nom, rào giậu lại, và đặt ra lệ hễ bò nhà ai vào, làng sẽ bắt làm thịt chia phần.
Lệ làng đặt ra, các nhà có bò đều dặn con hoặc người ở hết sức giữ gìn. Xiển có một con bò ốm, gầy như cái mo khô, cứ thả cho ăn ở gần đấy. Một hôm, Xiển để bò vào trong khu văn chỉ, cố ý cho dân làng biết.
Ðang thèm thịt bò, bọn lý trưởng, cường hào lập tức cho người bắt làm thịt. Xiển nói:
– Lệ làng đặt ra, tôi không dám kêu ca gì, chỉ xin làng nhớ cho từ nay trở đi bất cứ bò nhà ai, hễ vào văn chỉ là bắt làm thịt tuốt.
Sau đó ít lâu, Xiển mua mấy cỗ bài tam cúc, chia cho bọn trẻ chăn bò rủ chúng tìm đám đất khô ráo, phẳng phiu ngồi đánh. Bọn trẻ thích quá, xúm nhau, chúi mũi vào ván bài, chẳng để ý gì đến bò mẹ nữa. Xiển lừa cho tất cả đàn bò lại gần khu văn chỉ, rồi mở cổng ra. Thấy cỏ bên trong xanh tốt, một con vào, hai con vào, ba con vào, thế là những con khác cũng chen nhau vào theo. Xiển đóng cổng lại rồi chạy về gọi dân làng ra bắt bò. Bắt được hơn một trăm con, phần nhiều là của bọn lý hương cường hào giàu có trong làng. Chúng bàn nhau:
– Lần này, nhiều người đều phạm phải lệ làng, không lẽ ta đem làm thịt tất cả, vậy thì xin xí xóa.
Xiển nhất định không nghe, lấy cớ rằng lần trước làng đã ăn thịt bò của mình rồi, nay làng tự ý bỏ lệ, Xiển sẽ kiện quan. Sợ Xiển làm to chuyện, chúng bàn nhau đền cho Xiển một con bò, rồi bổ cho các nhà có bò bị bắt chia nhau chịu tiền. Xiển nhất định không nghe, nói:
– Chỉ có hai cách: một là đem làm thịt tuốt, hai là đem chia đều cho dân làng, mỗi nhà một con.
Bọn lý hương cường hào bàn với nhau mãi, cuối cùng phải bằng lòng theo cách thứ hai, vì chia như vậy thì chúng còn được mỗi nhà một con, chứ đem làm thịt thì mất cả. Thế là, không những Xiển đã đánh đổi được bò béo, mà những nhà trong làng cũng được mỗi nhà một con.
Trước
Tiếp theo