Yết thị
03-02-2015 admin
Ngoài đường không có đèn. Tối đến, quan phủ doãn đi vấp phải người ta, lấy làm giận lắm. Sáng ra, quan truyền yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn”
- Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người.
- Quan hỏi: Ngươi không đọc yến thị à?
- Người kia đáp: Bẩm có đọc.
- Thế sao ngươi không cầm đèn?
- Bẩm có, tôi có đèn.
- Thế sao trong đèn không cắm nến?
- Bẩm yến thị chỉ thấy nói cầm đèn, chớ không thấy nói cắm nến.
- Quan phủ doãn về, sáng hôm sau lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến”.
- Đêm hôm ấy, quan đi, lại vấp phải một người.
- Quan lại quở: Đi đêm sao không có đèn có nến?
- Người kia đáp: Bẩm, tôi có đủ đèn đủ nến ạ!
- Thế sao ngươi không thắp nến?
- Bẩm, vì trong yết thị không thấy nói thắp nến.
- Quan phủ doãn về, mai lại ra yết thị: “Ai đi đêm phải cầm đèn, trong đèn phải cắm nến, nến phải thắp”
- Nhưng hôm sau, nửa đêm quan đi lại vấp phải một người có đèn, có nến nhưng đã thắp hết nến rồi. Quan lại quở.
- Người kia nói: Bẩm, trong yết thị không thấy nói hết cây nến phải tiếp cây nến khác ạ !
Rắm của con đấy ạ
Một bà huyện đến chơi nhà chị em, cùng đi có anh đầy tớ theo hầu. Ðương ngồi trò chuyện đông đủ, bà huyện bỗng vãi rắm ra. Anh đầy tớ đứng hầu sau lưng, vội bưng miệng cười. Lúc bấy giờ bà lớn tẽn lắm, nhưng cũng không dám nói gì.
Về đến dinh, bà mới gọi anh đày tớ vào buồng mắng một thôi một hồi:
- Ðồ ngu! Ðồ ăn hại! Không ra thể thống gì cả! Như người ta thì mày nhận là của mày, có được không? Ðằng này mày lại nhe răng ra mà cười như con khỉ! Bà lại đánh tuốt xác ra bây giờ!
Anh đầy tớ sợ mất vía, vội lui ra, rồi chạy một mạch đến nhà kia, thanh minh với mọi người:
- Bẩm các bà! Cái rắm bà con đánh lúc nãy là của con đấy ạ!
Thơ vịnh con chó
Có một anh học trò nhỡ độ đường, vào huyện ăn xin, nói là học trò nghèo. Quan huyện vốn trước cũng là trò nghèo, thương hại, bảo:
- Có phải học trò thì ta ra thơ "Con chó" cho mà làm, làm được sẽ có thưởng.
Anh học trò nghĩ một hồi lâu đọc:
Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy theo
Thương ôi! Con chó ngỡ con mèo.
Quan huyện nghe xong, phán:
- Học trò thật! Thơ không hay lắm, nhưng được cái đúng vần.
Liền thưởng cho một quan tiền và một thúng gạo. Anh kia lạy tạ ra về. Giữa đường gặp một anh học trò khác, anh này hỏi:
- Tiền gạo đâu ra thế?
Anh kia kể đầu đuôi câu chuyện. Anh này liền vào huyện, cũng nói là học trò nghèo, nhỡ độ đường vào huyện. Quan huyện cũng lại ra thơ như lúc nãy. Anh ta mừng quýnh, tưởng chuyến này ăn chắc, liền đọc:
Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy thời
Thương ôi! Con chó ngỡ ông trời.
Quan huyện nghi anh ám chỉ mình, tái mặt, sai lính đánh mấy chục roi, rồi đuổi ra.
Dàn hoa lý nhà tôi cũng sắp đổ
Một thầy đề chẳng biết làm sao bị vợ cào cấu sứt cả mặt. Khi đến công đường, quan huyện thấy, mới hỏi:
- Sao mặt thầy lại xây xát ra thế kia?
Thầy đề thưa:
-Bẩm chiều hôm qua, con ngồi chơi hóng mát, cái giàn hoa lý nó đổ xuống, xuýt nữa thì khốn!
Quan không tin, hỏi lại:
- Thầy dối tôi. Chắc hôm qua vợ thầy lại cào cho thầy đấy chứ gì? Thầy cứ nói thật đi rồi tôi sai mấy tên lính lệ lôi cổ ra đây trị thẳng tay. Nếu không thì được đằng chân lấn đằng đầu cho mà xem!
Quan bà đứng trong tư thất, nghe quan ông nói vậy, giận lắm, hầm hầm bước ra. Quan ông thấy bóng quan bà, líu cả lưỡi, bảo thầy đề:
- Thôi... thôi... thầy tạm lui. Giàn hoa lý nhà tôi cũng sắp đổ!