Suýt Chết Vì Quả Đào
04-02-2015 admin
Quỳnh cậy tài, đùa cả với chúa, không từ ai. Một hôm, lúc túc trực trong cung, có người đem đâng vua một mâm đào, gọi là "đào trường thọ", Quỳnh thủng thỉnh lại gần, lấy một quả, ngồi ăn, giữa đông đủ mặt vua quan, mà làm như không trông thấy ai cả.
Vua quở, giao xuống cho các quan nghi tội. Các quan chiếu theo luật "mạn quân" tâu nghị trảm. Quỳnh quỳ xuống tâu rẳng:
- Đinh thần nghị tội hạ thần như vậy, thạt là đúng luật, không oan, song xin Hoàng thượng rộng dung cho hạ thần được nói vài lời rồi chết cho thỏa!
Vua phán:
- Ừ, muốn nói gì cho nói!
- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần có bụng tham sinh, sợ số chết non, thấy quả gọi là quả "trường thọ" thèm quá tưởng ăn vào được sống lâu như Bánh Tổ, để được thờ nhà vua cho tận trung. Không ngờ nuốt chưa khỏi mồm mà chết đã đến cổ! Hạ thần trộm nghĩ nên đề tên quả ấy là quả "đoản thọ" thì phải hơn, và xin nhà vua trị tội đứa dâng đào đẻ trừ kẻ xu nịnh.
Vua nghe Quỳnh tâu phải, bật cười tha tội cho.
Câu đố
Một hôm, nhà có giỗ, làm thịt lợn mời khách khứa đông lắm. Thấy Quỳnh hay nghịch, ai cũng chòng ghẹo chơi.
Đương lúc Quỳnh xem làm thịt lợn, có một ông Tú tên lá Cát thường tự phụ hay chữ chạy đến béo tai, bảo:
- Tao ra một câu đối, đối được tao tha cho:
- Lợn cấn ăn cám tốn (1)
Quỳnh đối ngay:
- Chó khôn chớ cắn càn (2)
Ông Tú lại ra một câu nữa, câu này có ý tự phụ mình là ông Tú:
- Trời sinh ông Tú Cát (3)
Quỳnh lại đối:
- Đất nứt con bọ hung
Ông Tú phải lỡm, tịt mắt. Mọt người cười ầm cả lên.
(1) Cấn là quẻ cấn, Tốn là quẻ tốn trong bát quái . Đây lấy nghĩa lợn cấn (chửa) mà ăn tốn cám.
(2) Khôn là quẻ khôn, Càn là quẻ càn cũng trong bát quái, đây lấy nghĩa con chó khôn chớ cắn càn, cắn bậy .
(3) Cát còn có nghĩa là tốt; hung còn có nghĩa là xấu.
Vay tiền chúa Liễu
Lại một lần Qùynh vào yết điện, thấy chúa có nhiều tiền, trông sướng mắt, định vay.
Quỳnh khấn:
- Em độ này túng lắm, chị có tiền để không, xin cho em vay để em buôn bán, kiếm ít lời.
Nói rồi, khấn dài âm dương: "Sấp thì chia tư, chị cho em vay một phần, ngửa thì chia ba, chị cho một phần, chị mà thuận cho một nửa thì xin nhất âm nhất dương."
Thấy đằng nào Quỳnh cũng vay được, mà ý Chúa thì không muốn cho vay, vì biết được là cho vay, Quỳnh sẽ không trả, liền cứ làm cho hai đồng tiền quay tít, chẳng sấp mà cũng chẳng ngửa.
Quỳnh thất thế vỗ tay reo:
- Tiền múa Chúa cười,thế là chị bằng lòng cho em vay cả rồi!
Nói xong, vác hết cả tiền về.
Quỳnh trả ơn chúa Liễu
Gặp khoa thi, Quỳnh ra ứng thi. Đường đi qua đến Sông, Quỳnh vào yết Chúa, xin Chúa phù hộ cho, đỗ thì xin trả lễ.
Quỳnh ra thi, quả nhiên đỗ thật. Vinh qui về, Quỳnh mua một con bò mẹ, một con bò con, đem đến lễ, Quỳnh quỳ xuống lạy, rồi dắt con bò mẹ đến buộc vào tay ngai mà khấn rằng:
- Chúa có lòng thương phù hộ cho Quỳnh được đỗ, nay gọi là có một con bò để trả lễ. Xin Chúa nhận cho. Chúa là chị, xin lễ con lớn, còn con nhỏ, em xin đem về khao dân.
Nói rồi, dắt con bò vè. Con bò mẹ thấy dắt mất con đi, lồng lên chạy theo, làm ngai Chúa đổ lổng chổng, long gẫy cả. Quỳnh cười nói:
- Chị thương em nghèo, trả không lấy, thì em xin đem về vậy.
Nói rồi dắt cả hai mẹ con bò về.