Chống giặc ngoài
06-09-2018
Trạng Lợn cùng nàng Phấn Khanh ở quê nhà vài tháng, rồi từ tạ mẹ và anh chị lai kinh. Khi qua trang trại Bùi tướng công, hai vợ chồng vào thăm. Chưa được một ngày thì nhận được chiếu chỉ vua sai đi dẹp giặc.
Trạng biết ngay cơ sự, thưa với nhạc phụ:
– Việc này do âm mưu của Thái sư họ Dương, bởi vì trước đây lão ép gả con gái cho tiểu tế không được, nay thấy sánh duyên cùng lệnh ái, nên để tâm thù. Nhân có giặc đương thả voi trận quấy rối miền biên cương vùng Thanh – Nghệ, lão muốn đẩy tiểu tế đến nơi nguy hiểm. Nhưng xin nhạc phụ chớ lo!
Hôm sau, Trạng cùng vợ lai kinh. Trước lúc lên đường, vua ban cho Trạng cờ biển và dặn rằng:
– Khanh đi kinh lược vùng Thanh – Nghệ, trẫm trao cho chức “Tiết chế quân vụ”. Trong hàng quân, kẻ nào trái lệnh, khanh được phép “tiền trảm hậu tấu”.
Trạng cho mời Trạng Cờ, Trạng Vật, Trạng Ăn đến bàn kế chống giặc. Xong đâu đấy, phong Trạng Vật làm tướng tiên phong. Trạng Cờ đốc thúc thủy bộ. Trạng Ăn coi việc vận chuyển và binh lương. Nàng Phấn Khanh cũng cương quyết lĩnh ấn, đeo gươm theo chồng đi dẹp giặc.
Tới Thanh – Nghệ, Trạng phân quân sĩ thành cơ đội, rồi đóng trại quanh núi. Thám tử về báo: “Giặc đóng tại Bố Chính, Quy Hóa trở vào, đông như kiến cỏ, thả voi phá hoại mùa màng, quấy nhiễu nhân dân, mà địa thế lại rất hiểm trở”.
Trạng Vật nói:
– Làm trai có chí lập công lớn thì dẫu nguy hiểm bao nhiêu cũng không quản. Ta quyết đem thừng xỏ mũi chúng lôi về!
Trạng mừng lắm, giao cho Trạng Vật ba nghìn quân đi tiên phong. Trận đầu, khi Trạng Vật vừa cho cắm trại, thì thình lình quân giặc kéo đến vây đông vô kể. Chúng dùng tên bắn như mưa và thả voi xông bừa vào. Trạng Vật cùng quân lính chống đỡ tới chiều vẫn không phá được vòng vây. May sao có Trạng Cờ và Trạng Ăn thúc quân tới kịp, cùng hiệp lực mới thu được quân về…
Trạng sai bốn đạo quân mở nhiều trận đánh lớn làm cho giặc thua to, từ đấy cứ lẩn lút trong rừng sâu. Nhưng hễ quân Trạng xông vào là chúng bắn tên ra như mưa.
Giặc thủ thế, ta khiêu chiến, chúng cũng không ra. Đến đêm, Trạng ngầm sai quân lính để nhựa thông vào những đống củi khô chất sẵn và cho quân mai phục. Quả nhiên đầu canh năm, giặc kéo ra cướp phá. Trạng Vật lập tức nổi hiệu phóng lửa tứ phía, rồi bắn tên vào như mưa. Voi ngựa xô nhau sa hố gần hết, còn binh tướng giặc bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết.
Sau đó, Trạng dẫn quân vào trận tiền, bắt sống được tướng giặc, đóng cũi giải về kinh đô.
Nhà vua nghe tin mừng lắm, ngự giá ra khỏi hoàng thành đón rước về triều, khao thưởng quân sĩ, ban phong chức tước. Khi đem tướng giặc ra tra hỏi, mới hay là chính viên thái sư đã ngầm tư thông với giặc, xui chúng đem quân xâm lược đất đai vùng Thanh – Nghệ, rồi tâu vua sai Trạng đi dẹp giặc, định nhờ tay giặc trừ khử Trạng, để báo thù việc Trạng không lấy con gái lão.
Vua đùng đùng nổi giận, ra lệnh đem tướng giặc ra chém trước cửa thành, rồi lập tức thiết triều, nghị xét Dương thái sư. Nhà vua giáng chỉ, bắt thái sư bỏ ngục, cách hết quan tước, tịch ký gia sản bao gồm rất nhiều ngà voi, sừng tê và vàng bạc châu báu của hai động đem tiến, không biết bao nhiêu mà kể.
Chúa Liễu mắc lừa
Lúc Quỳnh còn là học trò nhà nghèo, phải ra đền Sòng xin cấy rẽ. Đền Sòng quê ông là nơi thờ Bà Chúa Liễu nổi tiếng rất linh thiên, không ai là không kinh sợ. Chúa Liễu có nhiều ruộng và bà cũng cho cấy rẽ để lấy lợi. Lần ấy, Quỳnh vào đền khấn mượn đất xong thì khấn quẻ âm dương hỏi Chúa là bà lấy gốc hay lấy ngọn trong vụ thu hoạch tới.
Lần đầu Chúa bảo lấy ngọn, thế là vụ ấy Quỳnh trồng khoai lang. Đến khi khoai đã có củ, đào khoai xong, Quỳnh đem hết củ về nhà còn bao nhiêu dây khoai Quỳnh đem để đền bà chúa. Lần thứ hai, xin âm dương, Chúa đòi lấy gốc để ngọn cho Quỳnh. Mùa ấy Quỳnh liền trồng lúa. Đến mùa gặt, Quỳnh cắt hết bông và đem gốc rạ trả cho Bà Chúa!
Chúa Liễu hai lần bị Quỳnh lừa, tức giận lắm xong đã trót hứa rồi, không biết làm thế nào được. Lần thứ ba, Quỳnh đến xin thì Chúa bảo lấy cả gốc lẫn ngọn, còn khúc giữa cho Quỳnh, Quỳnh giả vờ kêu ca:
– Chị lấy thế em còn gì được nữa !
Khấn đi khấn lại mãi, Chúa nhất định không nghe, Quỳnh về trồng ngô, đến kỳ bẻ ngô bao nhiêu bắp Quỳnh giữ lại, còn ngọn với gốc Quỳnh đem nộp cho Chúa.
Chúa mắc mưu Quỳnh ba lần, đòi lại ruộng, song trong ba vụ ấy, Quỳnh đã kiếm cũng được cái vốn kha khá rồi.
Quýt làm cam chịu
Việc tìm ngựa vừa xong, thì việc khác lại xẩy ra. Hôm đó, ở trong cung, công chúa út bỗng dưng mất chiếc vòng ngọc. Chiếc vòng này vua rất quý, bởi nó không chỉ bằng ngọc do nước ngoài tiến cống, mà nó còn có một đặc tính kỳ lạ: ai đeo vào sẽ không bị ốm đau, bệnh tật. Vua quý công chúa út nhất, nên mới ban cho nàng. Được tin này, quan thượng thư liền tiến cử Chung Nhi vào cung để tìm vòng ngọc giúp vua.
Vua cho chàng ở riêng một nơi, sai người ngày đêm hầu hạ chàng. Suốt mười ngày sống trong cung vua, tất cả sơn hào hải vị, miếng ngon vật lạ… không thức gì là chàng không được nếm qua. Nếu tìm được vòng ngọc cho công chúa, thì có lẽ chàng là người hạnh phúc nhất trên thế gian này. Nhưng tìm đâu ra vòng ngọc? Chàng bỗng bật cười tự chế giễu mình:
– Đúng là "Quýt làm cam chịu"!
Vừa nói xong, cửa bỗng bật tung, một người lao vào quỳ dưới chân chàng, van xin:
– Thưa ông, việc này quả thằng Quýt làm. Nó chủ mưu lấy cắp, rồi sai con đi giấu. Nhưng chẳng lẽ Quýt làm Cam chịu? Con xin chỉ nơi giấu vòng ngọc, mong ông xá tội, đừng khai tên chúng con, kẻo chúng con mất đầu.
Nói xong, tên Cam dập đầu xuống đất xin chàng. Đến đây, Chung Nhi mới hiểu sự tình. Thì ra, suốt mười ngày qua thằng Cam và thằng Quýt thay nhau theo dõi xem chàng có bói ra việc chúng ăn cắp vòng ngọc không. Hôm đó, thằng Cam đang rình bên ngoài theo dõi nghe chàng nói đến tên cả hai đứa thì sợ hãi, hắn phải lao vào thú tội. Chàng tặc lưỡi, gật đầu:
– Ừ thì ta tha cho, hãy nói mau xem, vòng ngọc ở đâu?
Tên Cam khai hết sự thật.
Sáng hôm sau, chàng đến gặp vua, chỉ rõ nơi giấu chiếc vòng ngọc. Vua sai người đi tìm, quả nhiên thấy lại vật quý. Nhà vua hết sức vui mừng và dĩ nhiên thưởng cho chàng rất nhiều vàng bạc.
Bốn anh em nối khố
Trạng bói được mấy quẻ minh bạch rạch ròi như thế, cho nên từ trong cung phủ cho đến ngoài thành phố đều khen là Quỷ Cốc (1) phục sinh. Văn nhân, võ sĩ, kẻ xa người gần đua nhau đến như nước chảy. Lắm người không biết mặt Trạng là thế nào.
Bấy giờ có một người họ Lê tức Trạng Ăn – Lê Nại; một người họ Nguyễn tức Trạng Cờ – Nguyễn Huyên; một người họ Vũ tức Trạng Vật – Vũ Phong, đều là danh sĩ ở trấn Hải Dương. Nhân đi thi đến Thăng Long, thấy nói Trạng có tài biết trước, cùng rủ nhau đến hỏi công danh sớm muộn. Trạng hỏi lần lượt tất cả thì các ông ấy cùng đồng niên (2) với mình, nên cười mà bảo rằng:
– Trông các ngài trạng mạo như thế này còn lo gì chẳng có công danh mà còn phải bói toán. Nhưng các quan anh muốn biết vận số, có bụng hỏi đến đàn em thì đàn em cũng phải xin nói. Bây giờ hãy xin các quan anh uống với đàn em một vài chén rượu để tự tình cái nghĩa đồng niên đã.
Ba người thấy Trạng có bụng hào phóng như vậy, đều bảo nhau xin kết làm bạn nối khố, hoạn nạn sinh tử cũng phải có nhau. Đêm hôm ấy, bốn người cùng uống rượu vui vẻ. Tiệc xong, Trạng bảo cho ba người rằng:
– Hiện bây giờ thánh thể mỏi mệt. Và xuân thu lại cao, không lâu tất là tới kỳ rồng ngự chầu trời. Và có cái biến cố lạ. Qua hồi ấy rồi, mới có ông thái bình thiên tử ra đời, thời may chúng ta mới có đường bay nhảy, dựng công lập nghiệp. Bấy giờ giao long gặp mưa, cánh hồng thuận gió, tự nhiên công danh hiển hách, can gì phải số với toán.
Ba người hỏi:
– Quan anh đã có tài biết trước, chắc hẳn không sai, nhưng tình hình lâu hay chóng, xin quan anh cho biết.
Trạng nói:
– Tôi xem số vận, tính cũng không lâu, chỉ độ trong một, hai năm, chỉ sợ không có tài mà thôi, chứ có tài thời ngại gì! Thôi, ta hãy nên gắng chí trau mài, chờ đợi gió mây.
Từ đó bốn người chơi bời, giao kết với nhau thân tình.
Hôm khác, đang ngồi với nhau, tự dưng ông Trạng họ Lê than thở rằng:
– Hình dung trạng mạo như thế này mà chỉ khỏe sức ăn thôi. Nay lần mai lữa, cót đầy cót vơi, bao nhiêu cũng hết. Chẳng biết về sau có được nên cơm cháo gì hay không?
Trạng nói đùa và dỗ rằng:
– Văn hay chữ tốt, lo gì không có người dùng. Thôi cứ yên trí, trời cho ngày sau tôi có làm nên, hễ đi sứ thời tôi cử làm phó.
Ông Trạng họ Vũ ngồi bên tủm tỉm cười hỏi rằng:
– Ấy chứ như tôi bé nhỏ thế này, thời ông cắt cho tôi làm gì?
Trạng lại nói đùa rằng:
– Tướng ống ngũ đoản, người văn dạng võ. Hễ về sau tôi có làm quân sư thời tôi cử làm tiên phong.
Nói xong, họ cười ầm cả lên. Sực thấy Trạng Cờ từ ngoài vào bảo rằng:
– Chết rồi, các ông không biết chuyện gì ư? Còn sướng cái gì mà cười lắm vậy!
Ông Trạng họ Vũ hỏi:
– Ở ngoài có việc gì lạ hẳn?
Trạng Cờ nói:
– Vừa nghe thấy tin trong nội đình nói rằng hoàng thượng băng hà, đương nghị lập vua mới, đảng nọ đảng kia đang lung tung ầm ĩ cả lên.
Trạng nói:
– Từ đây trở đi ắt sẽ xảy ra nhiều việc…
——————————————————–
(1) Tên một người nổi tiếng bói toán giỏi thời trung cổ ở Trung Quốc.
(2) Đúng ra "đồng niên" là bạn đỗ cùng một khoa thi. Đây ý nói là cùng tuổi. Vì ba ông này và Trạng Lợn là bốn vị tá tinh cùng giáng trần một lúc.
Trước
Tiếp theo