Vui Một Chút

Cười là vui, vui càng phải cười.

Trước Tiếp theo

10-03-2015

Nên biết là giống kỳ đà thích ở trong bọng cây. Hễ động động là chúng chun trốn, có trời mà kéo ra. Bốn chân nó giương móng thật sắc, bấu cứng vào bọng cây, nắm đuôi kéo ra chỉ có nước là đứt ngang thôi. Cách duy nhất là muốn bắt được kỳ đà chun trong bọng cây thì phải dần khúc đuôi cho nhừ ra, rồi lấy gừng thật cay đắp vô, chừng đó nó tự nhiên rũ riệt gân cốt, tuột ra thôi.

Vùng này có rất nhiều loại cây lớn mà bọng ruột như cây cuôi, tràm, trâm ... kỳ đà về bao nhiêu cũng đủ chỗ để chun trốn. Mấy vạn săn Sông Đốc, Đường Ranh thảy đều thúc thủ vô mưu. Riêng tui, đâu có chịu thua một cách dễ dàng. Thấy kỳ đà về mỗi lúc một nhiều, tui đến tận chỗ nghiên cứu mấy ngày nghĩ ra cách bắt chúng.
Đã nắm được chỗ yếu của nó rồi, tui về làm bẫy cò ke, gài bắt sống độ vài chục con, loại kỳ đà đực, thứ chạy giỏi nhất. Mỗi con tui buộc vô chót đuôi một củ gừng già, rồi cứ thả cho nó về nhập bầy. Chờ lúc chúng kéo nhau ra đi ăn, tui mới dắt chó tràn đến rượt chí tử. Lũ kỳ đà chạy về chỗ trú, chun hết vô bọng cây. Một bọng cây lớn chúng chun vô đến mấy chục con. Mỗi cây còn có một con ló đuôi ra, vì nó chạy sau chót. Tui sai bầy trẻ bắt ong vò vẽ ra cho chích vào khúc đuôi của con sau chót ló ra ngoài đó. Con kỳ đà bị ong chích đuôi đau quá nên nghiến răng chịu đựng. Nó nghiến nhằm chót đuôi con trên. Con bị bạn nhai đuôi đau quá nên cũng nghiến răng chịu, lại nghiến vào chót đuôi con trên nữa. Cứ như vậy, chúng bắt từ dưới nhai đuôi nhau vần công dài lên. Lên tới con trên hết, con kỳ đà đực mà tui buộc một cục gừng đó. Nó bị bạn nhai vào cục gừng. Rồi con nhai cục gừng bị cay quá nên chảy nước miếng ra. Con kế dưới nhấm phải nước miếng cay cũng bắt đầu chảy nước miếng dài xuống như vậy. Nước miếng có chất gừng cay chảy dài xuống, tự thấm vào đuôi chúng và chúng tự rủ riệt gân cốt mà tuột ra khỏi bọng cây. Chừng đó mình mặc sức bẻ móng, rút gân, trói ké chúng, chở đem đi chợ bán.

Mùa hạn năm đó, tui quảy gùi, vác mác lội từng ăn ong. Đi từ suốt sáng cho tới trưa mà vẫn chưa cạo được ổ nào, còn đóng kèo gát toàn là loại mới ốp lưỡi mèo, mật mới tráng ống. Buồn tình, tui mới lột gùi để mác với dao tre một bên, lấy tấm vải nhựa ra, trải dựa gốc tràm, nằm ngủ một giấc. Tui nằm tréo nguẩy, chân này gác xiên lên chân kia. Lúc nghe nắng nóng nóng bên mang tai, tui mới giật mình thức dậy.

Cũng còn nằm nguyên tư thế cũ, tui móc gói thuốc ra vấn hút. Đang lúc nhả khói, phun mây phì phèo, tui bỗng nghe ở đâu đây có tiếng bầy ong mật vỗ cánh rì rào. Tui ngó dáo dác, định ngồi dậy đi tìm. Nhưng chực nhìn xuống cái chân đang tréo nguẩy của mình thì… trời đất! Ổ ong đang đóng dưới bụng ống chân tui. Thấy mình ngủ nằm tréo nguẩy, nó tưởng đâu cái kèo mà áp lại đóng.

"Mầy đem nạp mạng, sẵn đây tao cạo luôn". Nghĩ vậy nên tui hút mạnh mấy hơi thuốc phà khói vào tổ ong. Bị khói thuốc Gò Vấp cay mắt, bầy ong bỏ ổ, bay tán loạn. Tui với lấy cây dao tre để bên cạnh xắn lấy tàn ong bỏ đi, tấm tàn lớn bằng cái sàn vậy. Còn lại khúc mức, tui xeo thêm mấy nhát dao tre nữa, nó rớt xuống tấm vải nhựa cái đụi, một khối mật vàng óng bằng trái dừa khô nằm trưu trứu trên tấm vải nhựa.

Mùa hạn năm đó, tui đi ăn ong mật sâu trong rừng U Minh. Đến trưa, ngồi dựa lưng vào gốc cây tràm nghỉ mát, tui móc gói thuốc ra ngồi hút. Thấy đằng kia, cách chừng ba công bề đứng, có một cây móp hay cây gì đó chết khô, cành lá rụng rơi đâu hết, chỉ còn lại thân cây trơ trọi. Cây khô này cao hơn các cây xung quanh. Gốc ngọn nó nứt nẻ, thẳng băng, da đen hơi mốc, trên có cái cháng hai. Một điều kỳ lạ là mỗi khi có con chim nào đậu lên cháng hai đó liền bị mất hút, không thấy bay ra.

Tui cũng không để ý, cứ quảy gùi, xách mác đi ăn. Đến xế qua, mật ong đã đầy gùi, tui định về, bỗng nghe có tiếng lửa cháy ào ào từ phía trên gió. Rừng U Minh này bị lửa cháy vào mùa hạn thì ngọn lửa bốc cao ngất trời, táp tới ầm ầm, như một trận bão. Đi rừng mà gặp lửa cháy thì phải mau mau đào đất trấp, chui xuống dưới hoặc trèo lên những cây thật cao, chờ lửa cháy ào qua chớ không phương nào chạy kịp. Lúc đó tui đào đất trấp chui không kịp, phải chạy tìm cây cao mà leo. Tui chạy đến, quăng bỏ gùi mật ong, bỏ cây mác còn lại và tìm được một cây. Tui ôm cây, trèo lên tuột xuống. Cái cây gì mà trơn chuồi, thót lên ba phóng thì bị tuột trở xuống hết hai. Nhưng lửa cháy đã tới gần, tui phải cố trèo. Trèo lên vừa tới chỗ cháng hai thì lửa cũng vừa cháy tới, nhưng chổ cháng hai cái cây sao có nhiều mảnh dầm lười xười tách ra đâm tay tôi đau quá. Mặc dù mỏi run tay nhưng ngó xuống thấy lửa đã cháy tới phía dưới, tui lấy làm khoái chí.

Lửa cháy qua rồi, tui định tụt xuống, nhưng sao nghe cái cây động đậy. Rồi ngay chổ cháng hai lại mọc ra nhánh chà cây quơ qua quơ lại, cào cào vào đầu tui. Tui thụt xuống chút nữa. Cái cây kia cứ ngoéo xuống quét vào đầu tui, vào cổ tui. Nó còn trây vào mình tui một thứ gì nhớt nhợt như nước miếng. Trời đất! Chổ cháng hai lại có hai cái mu lồi ra láng bóng và rực sáng như đèn xe hơi. Trời! Khi không hai cây khép lại, mở ra nghe bầm bập… Hồn vía lên mây, tay chân rũ liệt, tui ngã người ra, sút tay rớt luôn xuống đất. Hai lỗ tai nghe vo vo, mắt nhắm híp lại, phú mặc số mạng cho trời đất.

Khi rớt xuống tới đất, tui thấy mình nằm y chổ ngồi hút thuốc hôm qua. "Cái cây" đằng kia bắt đầu bò đi, le lưỡi, thổi hơi phèo phèo.

Mấy chú hỏi tại sao nhà tui có cái tĩn Nam Vang lớn mà tốt vậy à? Cái tĩn màu da lươn bóng ngời, đựng trên một giạ gạo đó. Hồi xưa, nhà tui có chẵn cặp chớ đâu phải cu ki một cái này. Cặp tĩn của ông bà để lại mấy đời. Từ miệt Sa Đéc, vợ chồng tui xuống chỉ có một cặp tĩn đó với chiếc giỏ mây, đến đây sanh cơ lập nghiệp. Gia sản lưu truyền mà, nhưng đã bị mất đi một cái. Mỗi lần nhớ tới, tui thấy tiếc hùi hụi trong bụng.

Đó là một buổi chiều, tui xác cặp tĩn ra lung , định múc nước về xài. Ra đến, thấy cá rô phóng như cơm sôi, tui mới nghĩ cách kiếm vài con cá để chiều ăn. Tui bẻ một nhánh trắm con làm cần câu, bứt sợi dây bẫy cò của ai đó làm nhợ, rút cây lông nhím trên đầu tóc xuống uốn cong làm lưỡi câu, bắt một mớ cào cào làm mồi. Cá rô vùng đất U Minh này hồi mới khai mở thì khỏi phải nói, con nào con nấy cân nặng tay, màu da đen trạy, có râu. Vừa bỏ mồi xuống là thấy “chàng y” đớp liền. Nhợ câu bị lôi xiên xiên về phía trên gió. Mình nhóng nhóng thử ngọn cần câu, nghe bên dưới trì trì thì giật lên một cái. Một chú rô mề đỏ đuôi, có hai sợi râu dài thượt, giãy lõm bõm. Cứ vậy mà lôi lên. Cái miệng tĩn vòng cỡ hai gang tay, nhưng phải cầm con cá rô ấn mạnh thì cái đầu nó mới chụp được vào trong. Tui vừa câu vừa “ấn” một hơi độ nửa tiếng đồng hồ thì đầy nhóc một tĩn cá. Còn lại một tĩn múc nước, tìm một khúc cây làm đòn, gánh về. Đến chừng bắt cá ra làm thịt, bà vợ tui cằn nhằn vì lấy cá ra khó quá. Thử hỏi, cá rô mà cầm hai tay ấn mạnh cái đầu nó mới phụp vô miệng tĩn thì tới chừng bắt ra làm sao lôi ngược nó ra được? Bị vợ cằn nhằn một hồi tui nổi khùng, xách cây đập cái tĩn một phát cho xong. Thế là bây giờ chỉ còn có một cái.

Trước Tiếp theo

Các bài viết liên quan

1. Đầu to bằng cái bồ (Tạo ngày: 1422929707)

2. Đất nứt con bọ hung (Tạo ngày: 1422929771)

3. Còn đau hơn (Tạo ngày: 1422943730)

4. Chú Việt Nam đi đấu thầu (Tạo ngày: 1422958636)

5. Suýt Chết Vì Quả Đào (Tạo ngày: 1422988582)

6. Dành cho đàn bà (Tạo ngày: 1423016826)

7. Can đảm lên anh (Tạo ngày: 1423017492)

8. Rắm của con đấy ạ (Tạo ngày: 1423107221)

9. Chồng và thư ký  (Tạo ngày: 1423120826)

10. Nó đây rồi  (Tạo ngày: 1423121459)

Tất cả bình luận (0)

  • 500 ký tự
  • Capcha: