Chọi gà
04-02-2015 admin
Sau vụ "Quyển Sách Quý" nọ, bọn quan thị (1) kia tức anh ách, rắp tâm tìm cách hại Quỳnh cho bằng được. Một lần kia, nghe nói Quỳnh chọi gà với sứ Tàu thắng, bọn quan thị tổ chức thi gà chọi, lại mời cả Chúa đến dự cuộc vui.
Quỳnh vốn ghét bọn quan thị, từ chối, nói là không có gà, nhưng họ nhiễu mãi, phải ừ và hẹn đến mai di bắt gà về sẽ chọi. Bên láng giềng có một con gà trống thiến, Quỳnh mượn mang về.
Sáng sớm, mở mắt dậy, đã thấy quan thị đem gà lại rồi. Quỳnh sai bắt gà trống thiến đem ra chọi.
Cuộc thi gà chọi được tổ chức tại sân nhà của Quỳnh. Ngay trận đầu tiên, người ta đã chứng kiến một cảnh tượng buồn cười vì con gà của Quỳnh chả có thủ thế hoặc lừa miếng gì cả, nó cứ nhằm đối thủ mà nhào vô mổ lia lịa, y như những con gà bình thường đánh nhau vậy. Những người coi vốn ghét bọn hoạn quan vô lại, thấy vậy thích quá, reo hò kịch liệt, hoan hô ầm ỹ. Nhưng chỉ một lúc sau, con gà chọi loại chuyên nghiệp kia phản đòn, nó đâm một phát cựa trúng ngay ức con gà của Quỳnh.
Chú gà đó giẫy đành đạch, chết tuốt. Chúa thấy thế cười khoái trá, còn những người đến xem thì chán nản bỏ về hết.
Quan thị vỗ tay reo:
- Thế mà đồ rằng gà của Trạng hay, chọi được gà Tàu, giờ mới biết đồn láo cả!
Quỳnh chẳng cãi lại, chỉ nói:
- Các ngài nói phải, trước gà tôi chọi hay lắm, nhưng từ khi tối thiến đi, thì nó đốn đời ra thế!
Rồi ôm gà mà than thở: "Khốn nạn thân mày, gà ôi! Tao đã bảo thân phận may không dái thì chịu trước đi cho thoát đời, lại còn ngứa nghề làm gì cho đến nỗi thế! Thôi mày chết cũng đáng đời, còn ai thương nữa, gà ôi!"
Các quan thị nghe thế, xấu hổ, ôm gà cút thẳng.
(1): Ám chỉ là hoạn quan bị thiến
Ăn trộm mèo
Nhà vua có một con mèo quý lắm, xích bằng xích vàng và cho ăn những đồ mỹ vị.
Quỳnh vào chầu, trông thấy, bắt trộm về, cất xích vàng đi mà buộc xích sắt, nhốt một chỗ, đến bữa thì để hai bát cơm, một bát thịt cá, một bát rau nấu đầu tôm. Mèo ta quen ăn miếng ngon chạy đến bát cơm thịt cá chực ăn. Quỳnh cầm sẵn roi, hễ ăn thì đánh. Mèo đói quá, phải ăn bát rau nấu đầu tôm.
Như thế, được hơn nửa tháng, dạy đã vào khuôn, mới thả ra. Vua mất mèo, tiếc quá, cho người đi tìm, thấy nhà Quỳnh có một con giống hệt, bắt Quỳnh đem mèo vào chầu. Vua xem mèo, hỏi:
- Sao nó giống mèo của trẫm thế? Hay khanh thấy mèo của trẫm đẹp bắt đem về, nói cho thật! - Tâu bệ hạ, bệ hạ nghi cho hạ thần bắt trộm, thật là oan, xin bệ hạ đem ra thử thì biết. - Thử thế nào? Nói cho trẫm nghe. - Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ phú quý thì mèo ăn thị ăn cá, còn hạ thần nghèo túng thì mèo ăn cơm với đầu tôm, rau luộc. Bây giờ để hai bát cơm ấy, xem nó ăn bát nào thì biết ngay.
Vua sai đem ra thử. Con mèo chạy thẳng đến bát cơm rau, ăn sạch. Quỳnh nói:
- Xin bệ hạ lượng cho, người ta phú quý thì ăn cao lương mỹ vị, bần tiện thì cơm hẩm rau dưa. Mèo cũng vậy, phải theo chủ.
Rồi lạy tạ đem mèo về.
Lệnh vua ban
Một đêm kia, quan coi thiên văn trong triều tâu với nhà vua :
- Thưa Hoàng Thượng, thần quan sát đã bảy ngày nay, hễ vào giờ này là góc trời phương Nam loé lên một ánh sao thật kỳ lạ. Theo thần biết thì đó là vùng đất xứ Thanh. Ðiều đó chứng tỏ có nhân tài chưa xuất đầu lộ diện, cúi xin Hoàng Thượng cho xuống chiếu chiêu hiền, may ra có người có người tài ra giúp nước nhà.
Vua chấp thuận và ban lệnh cho dân chúng vùng Thanh Hóa - mỗi làng phải nộp cho nhà vua một con trâu đực có chửa, hẹn trong vòng một tháng thì phải nộp đủ, nếu không bị tội.
Nghe tin ấy, dân chúng già trẻ cùng các hương dịch, chức sắc các làng lo mất ăn mất ngủ. Phen này ai cũng chắc mẩm là chết, vì có bao giờ trâu đực lại có chửa! Họa chăng là xuống gặp Diêm Vương mà mượn! Chiều ấy, cha Quỳnh là hương xã trong làng, đi họp về nét mặt nặng trĩu buồn rầu.
Quỳnh thấy thế bèn hỏi thì được ông kể lại cho nghe đầu đuôi sự việc oái oăm kia. Nghe xong, Quỳnh cười, thưa với cha:
- Xin cha cho con một ít tiền làm lộ phí đi đường. Con lên kinh lo việc này thì nhất định vua sẽ không làm tội làng ta nữa đâu.
Cha Quỳnh miễn cưỡng bằng lòng. Sáng hôm sau, Quỳnh khăn gói lên đường. Ðến kinh thành, cậu bé nghỉ ngơi ở một quán trọ để đợi cơ hội...
Ngay khi nghe biết tin nhà vua cùng các quan hầu đi dạo cảnh phố phường, Quỳnh nấp dưới một bụi trúc bên đường, ra sức la khóc, gào thét cốt cho nhà vua nghe được. Nghe tiếng con nít khóc vang rân, vua sai lính dẫn đến cho ngài hỏi:
- Bé con kia có việc gì buồn bực sợ hãi mà la om sòm thế?
- Thưa Ðức Vua, con khổ và buồn quá nên bỏ nhà đi, lại định tự vẫn chết cho xong...
- Hãy nói cho ta nghe xem là việc gì nào? Quỳnh giả vờ khóc tức tưởi rồi thưa:
- Con vốn mất mẹ từ lâu, sống thui thủi với bố, muốn có em bé để bồng ẵm cho vui nhưng bảo thế nào bố con vẫn không chịu đẻ cho con một đứa.
Vua nghe xong không chịu nổi cười, vuốt râu bảo:
- Cái thằng ôn con này hay thật! Bố mày là đàn ông thì đẻ cái nỗi gì chứ! Ðúng là dở hơi!
Bấy giờ, Quỳnh tiến sát lại bên kiệu vua mà nói :
- Con không dở hơi đâu ạ, vì chính con nghe bố nói triều đình cũng có chiếu chỉ xuống bắt dân phải nộp mỗi làng một con trâu đực có chửa cơ mà!
Vua nghe xong té ngửa, trong bụng biết ngay đây là người tài, rất ứng với lời tiên đoán của quan thiên văn dạo nào. Lập tức, vua ra lệnh bãi bỏ chiếu chỉ "dở hơi" kia ngay.
Mọi người biết tiếng Quỳnh từ đó.
Quả đào trường thọ
Vua được người nọ đem dâng một mâm đào đỏ hồng trông ngôn lành và hết sức đẹp mắt, ông ta nói đó là loại đào trường thọ, ai ăn vào sẽ sống lâu trăm tuổi.
Vua thấy đào quí, chưa muốn ăn vội, cứ để đó khiến văn võ bá quan nhìn mà thèm đến nhỏ dãi. Nhưng của vua thì chớ ai dám động vào.
Ngày kia, Quỳnh vào chầu, trông thấy mâm đào để trên long án. Quỳnh thản nhiên như không, đưa tay bẻ một trái cắn rau ráu.
Các quan trong triều trông thấy sợ hết hồn đễn lỗi không dám nhìn.
Vua biết Quỳnh ngang nhiên ăn đào quí của mình thì giận lắm, nhất định sử Quỳnh tội chết chém vì khi quân phạm thượng. Quỳnh nghe thế vẫn không tỏ ra sợ hãi, chỉ giả đò buồn rầu quì trước mặt nhà vua, tâu:
- Thần mang tội xúc phạm đến bệ hạ, nay có chết cũng là đáng. Tuy nhiên, trước khi Quỳnh này ra đi gặp tổ tiên thì cũng xin có mấy lời muốn tâu, mong bệ hạ cho phép thần nói.
Nhà vua bằng lòng, bảo cứ nói.
Quỳnh thưa:
- Không phải là thần tham ăn đến lỗi vì một đào mà mất mạng, nhưng chính vì tôi trung muốn hầu hạ Chúa thêm vài chục năm nữa nên mới ăn đào quí, chỉ mong sống lâu mà thờ bệ hạ. Không ngờ, đào gọi là trường thọ thật quá đoản thọ, vì mới ăn xong thì cái chết đã đến cận kề. Thưa bệ hạ, thế có phải là loại đào trường thọ, thọ thật hay không ạ? Ai nói thế chính là láo khoét, xin bệ hạ làm tội kẻ đó mới phải!
Vua nghe xong, thấy Quỳnh nói rõ ràng là chí lý, lại e mình ăn vào lỡ cũng đoản thọ thì khốn. Bèn ra lệnh tha ngay cho Quỳnh.