Làm thơ xin ăn
07-02-2015 admin
Tại một làng thuộc tỉnh nọ có tên địa chủ giầu có nứt vách, lại nổi tiếng gian ác và hay hà hiếp dân lành. Hắn có cô con gái tuy đẹp nhưng cũng nổi tiếng không kém cha về cái thói chua ngoa đanh đá. Cô gái này thường thay cha ra đồ nam đốc thúc kẻ làm thuê.
Một hôm, cô ta đang đứng trên bờ ruộng, tay chống nạnh, đầu có nón quai thao, quan sát các nông dân làm thuê gặt lúa thì có một chàng thiếu niên dáng vẻ nho sinh đi ngang qua. Nho sinh thấy cảnh đó liền dừng lại hỏi thăm một bác nông dân về cô gái kia. Bác nông dân bảo cô ta là con gái của chủ ruộng, ngày nào cũng ra đứng đây để mà đôn đốc việc đồng áng, nói là thế nhưng thật ra ai làm lụng chậm chạp một tí là cô ta ngoác miệng ra chửi chẳng tiếc lời.
Có lắm người tuy đói nhưng ráng chịu chứ không làm thuê cho cô ta để khỏi bị nhục.
Nghe kể xong, chàng thiếu niên liền tiến đến gần bờ ruộng nơi cô kia đang đứng. Thiếu niên bảo cô nàng mình là học trò lỡ độ đường, nhịn đói đã hai ba bữa nay, xin cô gia ân bố thí cho ít lúa thổi cơm.
Thấy chàng trai khôi ngô khoẻ mạnh lại đi xin ăn, cô gái nguýt dài và bảo:
- Này, cô bảo cho biết, của đâu mà lấy không của người ta hả, nếu đúng học trò thì ứng khẩu xuất thi cho cô nghe lọt lỗ tai đã, bằng không thì cứ thẳng đường mà xéo!
Chàng thiếu niên kia nhận lời ngay và xin cô gái ra chủ đề cho mình làm thơ. Cô kia bảo:
- Ðã ăn xin còn vẽ chuyện, cứ làm thơ xin ăn là hợp nhất chứ còn đề điếc gì nữa!
Chàng trai suy nghĩ trong thoáng chốc rồi đọc to:
Tuyên Quang, Hoằng Hoá cũng thờ vua
Nắng cực cho nên phải mất mùa
Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị
Chị lỡ lòng nào chị chẳng cho.
Nghe xong bốn câu thơ ấy, cô gái đỏ gần cả mặt, ngượng quá không còn biết nói năng gì nữa cả, vội vội vàng vàng lấy lúa đưa cho chàng trai kia. Chàng kia chẳng thèm cám ơn, đi thẳng một mạch trong tiếng cười khúc khích của các người làm ruộng thuê.
Về sau, người ta biết ra chàng trai ấy chính là Trạng Quỳnh. Còn phần cô gái thì sao? Cô ta mất hẳn cái thói đanh đá chanh chua, mà cũng từ hôm ấy, không thấy cô ra đồng đứng chống nạnh như trước nữa.
Quyển sách quý
Trong số quan lại ở phủ Chúa có rất nhiều hoạn quan tham lam, nịnh hót. Chúa tin dùng chúng vì chúng giỏi gièm pha, tâng bốc. Có tên hoạn quan cấp trên ghét Quỳnh lắm, hễ có dịp là hắn rình mò Quỳnh rồi tâu xấu với chúa, xúi chúa làm tội Quỳnh. Quỳnh biết điều đó nhưng làm ngơ, xem hắn như cỏ rác.
Một hôm, Quỳnh quắp nách một quyển sách rất đẹp, đi lơn tơn qua các hành lang, mặt vẻ nghiêm trọng rồi lại giấu giấu, giếm giếm... Tên hoạn quan kia đang rình mò Quỳnh, thấy vậy sinh nghi, bèn chạy theo níu áo đòi mượn sách xem. Hai bên giằng co một hồi thì tên quan giật được. Hắn lật từng trang, chỉ thấy toàn giấy trắng, đến trang cuối cùng có chữ, nhưng hắn cố căng mắt ra đọc cũng chả hiểu gì cả. Túng quá, hắn bảo Quỳnh đọc xem là gì, Quỳnh lại ra vẻ quan trọng bảo:
- Ðọc ở đây thật không tiện, nếu ông muốn nghe, xin mời đến nhà cho kín đáo. Về nhà, Quỳnh liền đọc cho tên quan kia nghe những đIều ghi trong trang sách ấy, đó là "Chúa vị thần viết, vi cốt tứ dịch. Thị thần quị nhi tấu viết, thần phùng chỉ phát." Xong, Quỳnh lại diễn Nôm cho tên quan kia nghe, nghĩa câu đó là: "Chúa hỏi thần rằng làm xương cho sáo. Thị thần quì mà tâu rằng tôi may ngón tóc." Nghe xong, quan hoạn cứ ngớ người ra chẳng hiểu mô tê gì cả, lại gãi đầu gãi tai nhờ Quỳnh giải thích. Quỳnh làm bộ ngó trước ngó sau rồi nói khẽ:
- Ông nghe thì không sao, nhưng nếu Chúa mà biết thì cầm chắc cái chết!
Tên hoạn quan thề rối rít:
- Không sao, chỉ có mình tôi biết thôi mà.
Nếu có điều hệ trọng, ai lại đi tâu với chúa...
Quỳnh mỉm cười, giải thích:
- Nghĩa của nó là như thế này: Chúa hỏi thần rằng làm sao cho sướng? Thị thần quì mà tâu rằng tôi móc ngón tay! (Thị thần tức là hoạn quan )
Tên kia nghe xong, mặt đỏ tía tai, phùng mang trợn má lên hét:
- Thế ra lâu nay nhà ngươi tàng trữ sách chế giễu Chúa, lại còn thoá mạ những bầy tôi trung thành của Chúa. Hay lắm, rồi ngươi sẽ biết tay ta!
Ðợi hắn đi khỏi, Quỳnh liền tháo bỏ cuốn sách, lấy trang giấy vừa rồi đem đốt, thay vào đó là một trang giấy mới rồi hí hoáy viết vào một câu khác.
Quả nhiên sáng hôm sau, Quỳnh được lệnh vào chầu Chúa. Vừa thấy Quỳnh, Chúa hỏi ngay:
- Nghe nói khanh có quyển sách lạ, ta muốn xem!
- Tâu, quyển sách ấy của thần thật không có gì là lạ cả vì nó ghi những điều nhảm nhí bậy bạ. Xin Chúa đừng xem!
Nghe Quỳnh nói, Chúa lại càng chắc rằng điều mà tên hoạn quan ton hót với mình là đúng bèn phán:
- Nhà ngươi viết những gì trong sách mà không dám cho ta xem. Nếu không có gì phạm thượng thì cứ lấy đưa ta xem!
Quỳnh cứ một mực tâu là sách chẳng đáng xem, Chúa lại càng ngờ hơn, sau cùng thì sai lính áp giải Quỳnh về tận nhà lấy sách đem vào cho Chúa xem. Khi có sách ,vua giở mãi đến trang cuối mới thấy một câu: Ngã tư thế sự. Tư viết tả tô chấn tân thịnh nền giai khống xái châu.
Theo lệnh chúa, Quỳnh xướng đọc và diễn nghĩa từng đoạn như thế này : "Ngã tư thế sự," là ta nghĩ về dự thế, "Tư viết," là nghĩ rằng, "tả,tô, chấn," là mình phải tả, tô điểm thêm, làm cho hưng chấn thêm, " tân thịnh nền " là đẹp vô cùng , "Xái châu," là châu báu cũng không sánh kịp.
Nghe xong Chúa cười phào nhẹ nhõm: đúng là chẳng có gì đáng nghe cả, chỉ là một câu lằng nhằng về ý tứ, nhưng Chúa lại cho rằng Quỳnh có ý khen tặng ngài là bậc anh minh, bèn thưởng mười nén bạc cho Quỳnh!
Thấy không làm gì được Quỳnh, chiều hôm ấy, tên hoạn quan mò tới nhà Quỳnh, vỗ về :
- Trạng đừng trách tôi đã ton hót với Chúa nhé. Vì nếu không thế thì sao Chúa biết đến sách quý của trạng và được thưởng hậu thế!
Quỳnh chẳng nói chẳng rằng, mở tủ lấy quyển sách kia ra để trên bàn và nói:
- Ai lại trách ông làm gì. Có điều ông không biết rằng chính cái câu tôi viết trong sách không phải để đọc cho Chúa nghe mà để dành riêng cho ông đấy!
Trong khi tên hoạn quan còn ngơ ngác chưa hiểu ất giáp gì thì Quỳnh đã chỉ vào sách , đọc :
- "Ngã tư thế sự," là tao nghĩ cái trò đời, "tư viết," là nghĩ rằng, "tả tô chấn," là tổ cha hắn, "tân thịnh nền," là tên lịnh thần, "giai khống,là "không dái" "xái châu," là xấu chơi ! Cả câu đọc lái sẽ la..., ông đã thông chưa nào ?
Tên hoạn quan nghe xong thì giận bầm gan tím ruột, cay đắng cõi lòng nhưng cứng họng không thốt ra được lời nào, lẳng lặng rút lui.
Vụ kiện chôn sách
Trong ngày thi nọ, Quỳnh là người ra vẻ như đã làm xong bài thi sớm nhất, ung dung cắp ống quyển bước ra. Bọn quan trường cho đó là một tay thí sinh cự phách, bèn gọi đến đòi xem văn bút.
Quỳnh thưa:
- Ðúng là tôi đã làm xong đấy, nhưng nghĩ bài thi quá dở, thối om không thể ngửi nổi, xin các quan đừng xem làm gì!
Bọn quan cho là Quỳnh chỉ nói nhún để thoái thác, bảo:
- Văn của ông có thối cũng còn hay hơn kẻ khác nhiều, điều đó ai cũng rõ. Cứ đưa đây cho ta xem!
- Tôi nói thật đấy mà. Ðang làm bài, tôi thấy thối quá chịu không nổi nên mới bỏ ra ngoài tìm chỗ chôn sách đi cho rồi !
Nói xong, Quỳnh rảo bước đi liền. Quan đốc thị lập tức sai một tên lính theo dõi xem Quỳnh đi đâu và làm gì... Hồi sau, lính trở về, thưa:
- Bẩm quan , đúng là người ấy mang văn đi chôn thật ạ! Chính mắt con thấy ông ta đào đất chôn cái ống quyển xuống, lấp đất lại rồi bỏ đi!
Quan giục:
- Mày đến ngay chỗ ấy, đào đất lên lấy cho ta cái ống quyển.
Cấm không được táy máy mở ra đấy nhé!
Anh lính vâng dạ đi liền, một lát sau mang cái ống quyển về. Bọn chúng không ngờ rằng Quỳnh đã đổ vào trong đó đầy phân lỏng trộn với nước tiểu, lại còn thả vào đó mấy chục con châu chấu, xong, bịt kín lại.
Chiều hôm ấy, đợi toàn bộ quan trường thi tề tựu đông đủ, quan đốc thị xin phép quan đề điểu cho mở ống quyển ra xem. Nắp ống vừa bung, lập tức, hàng chục con châu chấu dính đầy phân túa bay ra làm các quan tránh không kịp. Mẹ ơi! Mình mẩy, tay chân, áo mão người nào người nấy dính đầy phân hôi thối khủng khiếp. Ðúng là một cảnh tượng cười ra nước mắt!
Ngày hôm sau, bọn quan kéo rốc nhau đến kiện với Chúa, mặt tên nào cũng méo xẹo. Chúa đích thân đứng ra xử vụ kiện tai quái này. Lập tức, Quỳnh bị gọi tới đối chất với các quan trường. Họ nhất nhất xin vua trị tội Quỳnh thật nặng để rửa nhục cho mình.
Trước mặt Chúa, Quỳnh bào chữa:
- Bẩm hoàng thượng, thần quả không biết gì về việc quan trường đào lấy ống quyển mà thần đã chôn vì lỡ phóng uế vào trong. Trước đó, thần đã bảo là cái thứ văn chương trong ấy thối lắm, xin quan chớ xem. Ông ta một mực bảo thối cũng cứ xem vì còn thơm hơn vạn người khác. Sau đó, ông ta tự sai người đào lên lúc nào, thần làm sao biết được!
Trước lý lẽ đó, các quan trường cứng họng, không còn biết đối chất ra sao. Bí quá , quan đốc thị bèn cáo:
-Khải Chúa, không phải Quỳnh chôn văn. Chính hắn đã đem chôn ống quyển chứa toàn thứ dơ bẩn và châu chấu đấy ạ!
Quỳnh biết bọn chúng đã tẩy rửa cái ống quyển kia rồi mới mang theo, bèn dõng dạc thưa:
- Khải tấu Hoàng thượng, quan thị nói thế là vu oan cho thần đấy ạ!
Chúa truyền cho đem ống quyển ra thì thấy đúng là một ống quyển sạch sẽ. Không có gì buộc tội được Quỳnh, Chúa đành sử hoà.
Bức tranh ngũ quả
Hằng năm, cứ đến dịp rằm trung thu là trong triều lại mở cuộc thi gọi là "Thi ngũ quả." Ðây là dịp cho bọn quyền quí giầu có ở kinh thành Thăng Long tha hồ mà tung tiền ra hầu đoạt lấy giải cao nhất của nhà vua. Thế nhưng, lần thi này thì thật khó. Chẳng hiểu sao dạo gần đây Chúa Trịnh lại mắc cái chứng sợ nắng, sợ gió. Chúa ngồi ngự lãm sau mức màn rủ, bởi thế việc chấm thi hầu như giao lại cho bà Chúa tùy quyền quyết định, thế nên việc cho điểm lại càng rắc rối và khó khăn hơn các kỳ thi trước! Trong kỳ thi này, Quỳnh tuy chả có lắm tiền như thiên hạ, nhưng cũng xin tham dự. Lại còn nói trước với bạn bè rằng mình sẽ đoạt giải cao nhất.
Vào cuộc thi, mọi người đua nhau bày ra các thú trái cây ngon lạ. Trong lúc đó, mọi người thấy Quỳnh vẫn chỉ hai tay không, cổ áo giắt một tờ giấy cuộn tròn. Tuy kinh ngạc trước cảnh tượng ấy nhưng chẳng ai thừa giờ mà chú ý đến Quỳnh, ai cũng mải chăm chút cho mâm quả dự thi của mình trước đã.
Lúc đến lượt mình, Quỳnh rút cuộn giấy ấy ra, trải phẳng trước mặt Chúa và bà chính cung. Thì ra đó là một tấm tranh vẽ hình một thiếu nữ rất trẻ, dáng yêu kiều, khoả thân, nằm nghiêng mình, chân hơi co, chân duỗi thẳng, đôi bàn tay úp lại đặt dưới ngực. Dưới bức tranh có đề hàng tựa: Mâm ngũ quả rằm.
Ðợi một lát cho mọi người ngắm bức tranh xong, Quỳnh thưa với Chúa:
- Kính xin Chúa thưởng ngoạn và cho điểm "Mâm ngũ quả," của thần ạ!
Chúa nghiêm mặt:
- Ngươi nghĩ sao mà dám đó là mâm ngũ quả? Quỳnh lặng lẽ lùi xa mấy bước, dùng cây quạt tay thước, điểm lướt qua bức tranh. Trước hết, chỉ vào đầu thiếu nữ trong hình rồi nói: Ðây là dẽ nhãn. Chỉ vào ngực, Quỳnh tâu: Ðây là một cặp đào tơ. Ðến những ngón tay nuột nà kia, Quỳnh bảo đó là trái phật thủ. Chỗ cuối cùng, Quỳnh lấy cán quạt khoanh một vòng, nói : Ðây là múi mít mới bóc, hãy còn thơm phức!
Không hiểu Chúa nghĩ thế nào mà thích chí cười nắc nẻ. Bà chính cung thấy Chúa đang mắc bệnh, lại còn thích những thứ không nên ăn ấy, liền chất vấn Quỳnh
- Ngỡ trạng cho xem thứ gì mới mẻ, chứ thứ ngũ quả ấy thì nữ nhân nào mà chẳng có ?
Quỳnh biện bác ngay:
- Tâu lệnh bà, tục ngữ có câu "Người năm bảy đấng, của năm bảy loài," đâu phải người nào cũng giống người nào. Có bậc anh linh kiệt xuất như Bà Trưng, Bà Triệu, có bậc tài trí như Ngọc Hoa, Phương Hoa, những kẻ thất đức, thất phu trên trần này có đem gánh đổ đi cũng không hết. Thần trộm nghĩ cây quả cũng vậy thôi. Có thứ bưởi đào, bưởi ngột, nhãn lồng, đào tiên, mít thơm, mít mật ... lại có thứ bưởi đắng, nhãn còi, mít nhão, mít dai... Xin lệnh bà xem lại cho kỹ mâm "ngũ quả," của thần dâng đúng là những thứ quí đấy ạ!
Quỳnh nói thao thao bất tuyệt một hơi. Bà chính cung nghe câu được câu chăng, sợ mình bị lẫn vào loại nữ nhân tầm thường, bèn hỏi lại cho rõ:
- Thế trạng xếp ta vào đấng người nào?
Quỳnh nhìn chằm chằm bà Chúa từ đầu đến gót rồi làm bộ cung kính, thưa:
- Tâu lệnh bà, nhan sắc như lệnh bà đáng được xếp vào loại "khuynh thành, khuynh quốc,"!
Bà chính cung chẳng hiểu thâm ý của Quỳnh khi dùng những điển tích sâu xa, nghĩ rằng Quỳnh khen mình là người đẹp không ai sánh bằng, trong bụng sung sướng vô cùng, lại có ý hàm ơn trạng nữa!
Nhà vua từ nãy đến giờ cứ mải ngắm bức tranh, không để ý đến cuộc đối đáp giữa chính cung và Quỳnh, bỗng thở dài, chép miệng:
- Giá mà mâm "Ngũ quả," này là thật thì ta chấm ngay cho ngươi giải nhất!
Quỳnh biết Chúa đã xiêu lòng, bèn thưa:
- Thứ "ngũ quả," ấy thì thiếu gì, mà giá như có thật thì vào tay bậc cao sang như Chúa thượng cũng chỉ một lần thưởng thức qua là chán ngay thôi. Còn mâm "Ngũ quả," của thần đây mới thật là vô giá, không có thức nào sánh được. Cứ đem bày nó ra lúc nào cũng được, Chúa thượng có "ăn" cả năm cả đời cũng không hết, để đó chẳng sợ thiu thối gì, mà muốn "ăn" cũng không ai bị mất phần ai. Bẩm, chính vì nó quí như vậy nên thần mới đem tiến dâng, còn việc dự thi chỉ là nhiên hậu.
Quỳnh tâu xong, Chúa không phán gì ngay, quay sang vấn ý bà chính cung, bà Chúa mỉm cười. Sau đó thay mặt Chúa tuyên bố Quỳnh đoạt giải nhất cuộc thi ngũ quả năm nay.