Lệnh vua ban
07-02-2015 admin
Một đêm kia, quan coi thiên văn trong triều tâu với nhà vua :
- Thưa Hoàng Thượng, thần quan sát đã bảy ngày nay, hễ vào giờ này là góc trời phương Nam loé lên một ánh sao thật kỳ lạ. Theo thần biết thì đó là vùng đất xứ Thanh. Ðiều đó chứng tỏ có nhân tài chưa xuất đầu lộ diện, cúi xin Hoàng Thượng cho xuống chiếu chiêu hiền, may ra có người có người tài ra giúp nước nhà.
Vua chấp thuận và ban lệnh cho dân chúng vùng Thanh Hóa - mỗi làng phải nộp cho nhà vua một con trâu đực có chửa, hẹn trong vòng một tháng thì phải nộp đủ, nếu không bị tội.
Nghe tin ấy, dân chúng già trẻ cùng các hương dịch, chức sắc các làng lo mất ăn mất ngủ. Phen này ai cũng chắc mẩm là chết, vì có bao giờ trâu đực lại có chửa! Họa chăng là xuống gặp Diêm Vương mà mượn! Chiều ấy, cha Quỳnh là hương xã trong làng, đi họp về nét mặt nặng trĩu buồn rầu.
Quỳnh thấy thế bèn hỏi thì được ông kể lại cho nghe đầu đuôi sự việc oái oăm kia. Nghe xong, Quỳnh cười, thưa với cha:
- Xin cha cho con một ít tiền làm lộ phí đi đường. Con lên kinh lo việc này thì nhất định vua sẽ không làm tội làng ta nữa đâu.
Cha Quỳnh miễn cưỡng bằng lòng. Sáng hôm sau, Quỳnh khăn gói lên đường. Ðến kinh thành, cậu bé nghỉ ngơi ở một quán trọ để đợi cơ hội...
Ngay khi nghe biết tin nhà vua cùng các quan hầu đi dạo cảnh phố phường, Quỳnh nấp dưới một bụi trúc bên đường, ra sức la khóc, gào thét cốt cho nhà vua nghe được. Nghe tiếng con nít khóc vang rân, vua sai lính dẫn đến cho ngài hỏi:
- Bé con kia có việc gì buồn bực sợ hãi mà la om sòm thế?
- Thưa Ðức Vua, con khổ và buồn quá nên bỏ nhà đi, lại định tự vẫn chết cho xong...
- Hãy nói cho ta nghe xem là việc gì nào? Quỳnh giả vờ khóc tức tưởi rồi thưa:
- Con vốn mất mẹ từ lâu, sống thui thủi với bố, muốn có em bé để bồng ẵm cho vui nhưng bảo thế nào bố con vẫn không chịu đẻ cho con một đứa.
Vua nghe xong không chịu nổi cười, vuốt râu bảo:
- Cái thằng ôn con này hay thật! Bố mày là đàn ông thì đẻ cái nỗi gì chứ! Ðúng là dở hơi!
Bấy giờ, Quỳnh tiến sát lại bên kiệu vua mà nói :
- Con không dở hơi đâu ạ, vì chính con nghe bố nói triều đình cũng có chiếu chỉ xuống bắt dân phải nộp mỗi làng một con trâu đực có chửa cơ mà!
Vua nghe xong té ngửa, trong bụng biết ngay đây là người tài, rất ứng với lời tiên đoán của quan thiên văn dạo nào. Lập tức, vua ra lệnh bãi bỏ chiếu chỉ "dở hơi" kia ngay.
Mọi người biết tiếng Quỳnh từ đó.
Quả đào trường thọ
Vua được người nọ đem dâng một mâm đào đỏ hồng trông ngôn lành và hết sức đẹp mắt, ông ta nói đó là loại đào trường thọ, ai ăn vào sẽ sống lâu trăm tuổi.
Vua thấy đào quí, chưa muốn ăn vội, cứ để đó khiến văn võ bá quan nhìn mà thèm đến nhỏ dãi. Nhưng của vua thì chớ ai dám động vào.
Ngày kia, Quỳnh vào chầu, trông thấy mâm đào để trên long án. Quỳnh thản nhiên như không, đưa tay bẻ một trái cắn rau ráu.
Các quan trong triều trông thấy sợ hết hồn đễn lỗi không dám nhìn.
Vua biết Quỳnh ngang nhiên ăn đào quí của mình thì giận lắm, nhất định sử Quỳnh tội chết chém vì khi quân phạm thượng. Quỳnh nghe thế vẫn không tỏ ra sợ hãi, chỉ giả đò buồn rầu quì trước mặt nhà vua, tâu:
- Thần mang tội xúc phạm đến bệ hạ, nay có chết cũng là đáng. Tuy nhiên, trước khi Quỳnh này ra đi gặp tổ tiên thì cũng xin có mấy lời muốn tâu, mong bệ hạ cho phép thần nói.
Nhà vua bằng lòng, bảo cứ nói.
Quỳnh thưa:
- Không phải là thần tham ăn đến lỗi vì một đào mà mất mạng, nhưng chính vì tôi trung muốn hầu hạ Chúa thêm vài chục năm nữa nên mới ăn đào quí, chỉ mong sống lâu mà thờ bệ hạ. Không ngờ, đào gọi là trường thọ thật quá đoản thọ, vì mới ăn xong thì cái chết đã đến cận kề. Thưa bệ hạ, thế có phải là loại đào trường thọ, thọ thật hay không ạ? Ai nói thế chính là láo khoét, xin bệ hạ làm tội kẻ đó mới phải!
Vua nghe xong, thấy Quỳnh nói rõ ràng là chí lý, lại e mình ăn vào lỡ cũng đoản thọ thì khốn. Bèn ra lệnh tha ngay cho Quỳnh.
Hũ tương đại phong
Triều đình ngày nào cũng có yến tiệc ,sơn hào hải vị cùng các thứ thức ăn quí hiếm gọi là cứ thừa mứa không có chỗ mà đổ. Bởi thế nên nhà vua ăn mãi cũng chán lên đến tận cổ những thứ ấy, lại không còn thức gì chưa ăn. Một hôm rỗi rãi, vua kêu Quỳnh vào hỏi:
- Trên đời này có bao nhiêu thứ của ngon vật lạ ta đã đều ăn qua, nhưng chả lẽ chỉ có bấy nhiêu là hết rồi hay sao? Có còn thứ gì ngon mà lạ hơn không nhỉ?
- Có một món cực ngon gọi là mầm đá, chẳng hay bệ hạ đã nếm qua chưa ạ?
Vua bảo rằng cái tên món ăn nghe lạ và mình cũng lần được ăn, xong lại bảo muốn thưởng thức món ấy ngay. Quỳnh thưa:
- Món ăn ngon tất phải cực, nấu món đó rất công phu và tốn nhiều thời gian ...
Vua nói :
- Ta muốn ăn vật lạ, lại rảnh rang không biết làm gì cho hết ngày, lo gì không đợi được. Trạng nhớ mau mau làm món ấy cho ta ăn thử nhé!
Hai hôm sau, Quỳnh cho gia nhân mang thiếp vào cung mời vua ngự giá đến nhà mình thưởng thức món mầm đá.
Vua lật đật đi ngay.
Ðến nhà, vua thấy Quỳnh lăng xăng chạy tới chạy lui trong bếp, mồ hôi cha mồ hôi con cứ tươm ra như tắm. Thấy thế, vua lại càng nôn nóng, giục Quỳnh nấu mau mau cho mình hưởng cái món độc đáo ấy.
Ðến quá trưa, Quỳnh vẫn cứ lăng xăng dưới bếp, chả thấy nói năng gì đến thức ăn được hay chưa cả. Vua đói bụng lắm rồi, bèn gắt:
- Cái món quái quỷ gì mà nấu lâu thế? Ta không đợi được nữa rồi đây này!
Quỳnh ra vẻ mệt mỏi, tâu:
- Xin bệ hạ đợi cho chút nữa, sắp xong rồi ạ...
Ðúng là không biết phải làm sao tốt hơn là đợi nên vua đành bấm bụng, tiếp tục đợi. Khốn thay, cho tới sẩm tối Quỳnh vẫn cứ bảo là chưa được. Vua đói quá bèn nói :
- Không thể đợi được nữa! Trong nhà có thức gì khác cứ dọn lên cho ta ăn qua loa một miếng đi!
Quỳnh vâng dạ rồi sai gia nhân dọn cơm lên phản cho vua xơi. Vua nhìn thấy mâm cơm rõ là xoàng xĩnh: chỉ có vỏn vẹn đãi rau luộc! Trong mâm có cái hũ sành nhưng vua chả biết đó là cái chết tiệt gì! Lúc chuẩn bị ăn, vua chỉ vào cái hũ rồi hỏi :
- Trong đây đựng món gì?
- Thưa, đấy là món "đại phong," ạ!
Quỳnh rót một ít cái thứ nước sền sệt gọi là "đại phong" ra chén rồi mời vua chấm rau. Vừa nhai rau trong miệng, vua vừa thốt lên:
- Ngon quá, ngon quá! Nhà Trạng kiếm được cái thứ này ở đâu ra vậy, và tại sao lại gọi nó là đại phong?
Quỳnh thưa:
.- Bẩm, phong là gió, đại là lớn, mà gió lớn thì đổ chùa đấy ạ!
Vua ngẩn ra vì ngạc nhiên. Quỳnh giải thích tiếp:
- Ðổ chùa thì tượng lo, đọc lái lại là lọ tương. Bẩm, quả thực đó chỉ là một lọ tương rất tầm thường mà trong nhà những người nghèo đều có ạ! Sở dĩ Bệ hạ ăn thấy ngon như thế vì lâu nay toàn thưởng thức những sơn hào hải vị nên bây giờ thấy tương đậu cũng ngon, hơn nữa... vì bệ hạ đang đói cồn cào...
Vua đã hiểu ra cái chân lý đơn giản ấy, bèn cười và cám ơn Trạng về bữa ăn ngon miệng rồi lên kiệu trở về.
Làm thơ xin ăn
Tại một làng thuộc tỉnh nọ có tên địa chủ giầu có nứt vách, lại nổi tiếng gian ác và hay hà hiếp dân lành. Hắn có cô con gái tuy đẹp nhưng cũng nổi tiếng không kém cha về cái thói chua ngoa đanh đá. Cô gái này thường thay cha ra đồ nam đốc thúc kẻ làm thuê.
Một hôm, cô ta đang đứng trên bờ ruộng, tay chống nạnh, đầu có nón quai thao, quan sát các nông dân làm thuê gặt lúa thì có một chàng thiếu niên dáng vẻ nho sinh đi ngang qua. Nho sinh thấy cảnh đó liền dừng lại hỏi thăm một bác nông dân về cô gái kia. Bác nông dân bảo cô ta là con gái của chủ ruộng, ngày nào cũng ra đứng đây để mà đôn đốc việc đồng áng, nói là thế nhưng thật ra ai làm lụng chậm chạp một tí là cô ta ngoác miệng ra chửi chẳng tiếc lời.
Có lắm người tuy đói nhưng ráng chịu chứ không làm thuê cho cô ta để khỏi bị nhục.
Nghe kể xong, chàng thiếu niên liền tiến đến gần bờ ruộng nơi cô kia đang đứng. Thiếu niên bảo cô nàng mình là học trò lỡ độ đường, nhịn đói đã hai ba bữa nay, xin cô gia ân bố thí cho ít lúa thổi cơm.
Thấy chàng trai khôi ngô khoẻ mạnh lại đi xin ăn, cô gái nguýt dài và bảo:
- Này, cô bảo cho biết, của đâu mà lấy không của người ta hả, nếu đúng học trò thì ứng khẩu xuất thi cho cô nghe lọt lỗ tai đã, bằng không thì cứ thẳng đường mà xéo!
Chàng thiếu niên kia nhận lời ngay và xin cô gái ra chủ đề cho mình làm thơ. Cô kia bảo:
- Ðã ăn xin còn vẽ chuyện, cứ làm thơ xin ăn là hợp nhất chứ còn đề điếc gì nữa!
Chàng trai suy nghĩ trong thoáng chốc rồi đọc to:
Tuyên Quang, Hoằng Hoá cũng thờ vua
Nắng cực cho nên phải mất mùa
Lại đứng đầu bờ xin xỏ chị
Chị lỡ lòng nào chị chẳng cho.
Nghe xong bốn câu thơ ấy, cô gái đỏ gần cả mặt, ngượng quá không còn biết nói năng gì nữa cả, vội vội vàng vàng lấy lúa đưa cho chàng trai kia. Chàng kia chẳng thèm cám ơn, đi thẳng một mạch trong tiếng cười khúc khích của các người làm ruộng thuê.
Về sau, người ta biết ra chàng trai ấy chính là Trạng Quỳnh. Còn phần cô gái thì sao? Cô ta mất hẳn cái thói đanh đá chanh chua, mà cũng từ hôm ấy, không thấy cô ra đồng đứng chống nạnh như trước nữa.