Vui Một Chút

Cười là vui, vui càng phải cười.

Trước Tiếp theo

07-02-2015

Sứ Tàu vốn là một tay vẽ rất giỏi. Một hôm, hắn khoe tài với Quỳnh, ra giọng thách thức:

- Ta chỉ nghe ba tiếng trống đánh là vẽ xong một con vật. Người có thể làm như thế không?

Quỳnh cười đáp:

- Thưa, chỉ nghe một tiếng trống mà vẽ xong đến mười con vật như tôi mới tài, chứ phải ba tiếng trống mới vẽ được một con thì sao gọi là tài cho được!

Sứ Tàu nghe nói tức lắm, nghĩ bụng phải cho cái thằng này biết tài mới được, thách Quỳnh thi vẽ với hắn.
Quỳnh nhận lời ngay.

Ðến lúc thi, nghe tiếng trống đầu tiên, sứ Tàu liền cắm cúi vẽ lấy vẽ để. Quỳnh thì cứ ung dung ngồi dưới chiếu nhai trầu, xem như người đang ngồi hóng gió chứ không phải thi thố gì cả. Tiếng trống thứ hai nổi lên, sứ Tàu liếc thấy Quỳnh vẫn cứ ngồi đó ngâm nga. Nghe tiếng trống thứ ba, Quỳnh mới đứng lên, tiến tới bàn, nhúng cả mười đầu ngón tay vào nghiên mực rồi trét lên giấy thành mười vệt dài ngoằn nghoèo. Khi đó, sứ Tàu chưa vẽ xong được hình thù con vật nào cả.

Thời gian so tài đã hết, Quỳnh đưa tờ giấy ra, bảo với sứ Tàu:

- Ông thua cuộc rồi đấy nhé ! Tôi đâu có nói ngoa, chỉ nghe một tiếng trống thôi là tôi vẽ xong ngay mười con giun đất đây này.

Sứ Tàu muốn ôm đầu kêu trời, đành thua mẹo của Quỳnh một lần nữa.

Lúc Quỳnh còn là học trò nhà nghèo, phải ra đền Sông xin cấy rẽ. Quỳnh khấn và xin âm dương xem Chúa thuận lấy gốc hay lấy ngọn. Ban đầu chúa thuận lấy ngọn thì Quỳnh trồng rặt thứ khoai lang. Đến lúc được ăn, Quỳnh đào lấy củ, còn bao nhiêu dây ngọn đem nộp chúa

Lần thứ hai, xin âm dương, Chúa thuận lấy gốc để ngọn cho Quỳnh, thì Quỳnh trồng các thứ lúa.
Đến mùa gặt, Quỳnh cắt lấy bông, còn bao nhiêu gốc rạ đem nộp Chúa.

Chúa hai lần mắt hợm, tức lắm, song đã trót hứa rồi, không biết làm thế nào được. Lần thứ ba, Quỳnh đến xin thì Chúa bảo lấy cả gốc, lẫn ngọn, còn khúc giữa cho Quỳnh, Quỳnh vờ kêu ca:

- Chị lấy thế thì em còn được gì nữa!

Khấn đi khấn lại mãi, Chúa nhất định không nghe, Quỳnh về trồng rặt ngô, đến kỳ bẻ ngô, bao nhiêu bắp Quỳnh giữ lại, còn ngọn và gốc thì đem nộp Chúa.

Chúa mắc mưa Quỳnh ba lần, đòi lại ruộng, song trong ba vụ này, Quỳnh đã kiếm được cái vốn to rồi.

Có một ông quan thị (1) đại nịnh thần, được Chúa Trịnh yêu lắm. Ông ta thường đến chơi nhà Quỳnh, thấy sách gì cũng mượn xem, mà ít khi trả. Quỳnh ghét cay ghét đắng, định chơi xỏ một bận cho chừa. Quỳnh bèn lấy giấy trắng đóng thành quyển sách để sẵn. Một hôm, thấy bóng quan thị đằng xa, Quỳnh giả vờ cầm sách xem, đợi khi ông ta đến nơi thì giấu đi. Quan thị thấy Quỳnh giấu, ngỡ là sách lạ, đòi xem Quỳnh bảo:

- Sách nhảm có gì mà xem.

Quan thị năn nỉ mãi cũng không được, về tâu với Chúa. Chúa đòi Quỳnh sang hỏi. Quỳnh đám chắc là đòi về chuyện quyển sách, mới lấy bút viết mấy câu vào sách bỏ vào tráp khoá lại, rồi sang hầu. Quả nhiên như thế. Quỳnh tâu:

- Không có sách gì lạ, chắc thị thần tâu man với Chúa đó.

Chúa thấy Quỳnh chối, lại càng tin là Quỳnh có sách lạ, bắt phải đem trình. Quỳnh sai người về đem tráp sang, mở ra, chỉ thấy có một quyển sách mỏng. Quỳnh rụt rè không dám đưa. Chúa bảo:

- Cứ đưa ta xem. Nếu sách lạ thì ta thưởng, mà có phải sách can phạm thì ta cũng xá cho, đừng ngại.

Quỳnh đưa ra. Chúa mở ra xem, chỉ thấy có mấy câu:

"Chúa vị thần viết: Vi cốt tứ địch, vi cốt tứ địch. Thị thần qui nhị tấu viết: Thần phong chỉ phát, thần phông chỉ phát".

Chúa ngẫm lại không biết nghĩa ra làm sao, bảo Quỳnh cắt nghĩa thì Quỳnh rụt rè tâu:

- Sách ấy là sách nhảm nhí của tiểu thần chỉ xem khi buồn, sợ cắt nghĩa ra rác tai Chúa!

Chúa nhất định không nghe, bắt Quỳnh cắt nghĩa cho được.

Quỳnh vâng lệnh tâu với Chúa, câu ấy nghĩa là:

"Chúa hỏi thị thần rằng: làm xương cho sáo, làm xương cho sáo. Thị thần quỳ mà tâu rằng: "Tôi may ngón tóc, tôi may ngón tóc".

Quỳnh cắt nghĩa, nhưng chúa vẫn chưa hiểu ra, lại hỏi:

- Đã đành nghĩa đen là như thế, nhưng ý tứ thế nào?

Quỳnh tủm tỉm cười không dám nói. Chúa và quan thị đứng hầu bên càng gặng hỏi. Quỳnh mới tâu:

- Xin chúa đọc đảo lại thì ra nghĩa, nhưng mà tục lắm. Bấy giờ Chua với quan thị mới biết Quỳnh lỡm, bảo Quỳnh mang sách về.

Quỳnh ra, quan thị chạy theo trách Quỳnh nhạo cả Chúa, thực là người vô phu, vô quân.

Quỳnh đáp lại rằng:

- Ngài bảo tôi là vô phu, vô quân thì bọn thường thị đời Hậu Hán là gì? Tôi đã giấu mà ngài cứ nịnh để đòi ra cho được thì lỗi tại ai?

Quan Thị tịt mất.

(1) Tức bọn hoạn quan

Quỳnh nhiều lần thất lễ với chúa, nên trước Chúa quý trọng bao nhiêu thì sau lại ghét bấy nhiêu. Quỳnh thấy Chúa ghét, lại càng trêu tợn.

Một lần, Chúa sai lính đến kéo đổ nhà Quỳnh. Quỳnh thấy lính đến thì bảo:

- Chúa sai các anh đến kéo đổ nhà ta thì các anh cứ việc kéo, không được reo, được cười, ai mà reo cười thì ta cắt lưỡi,

Nghề kéo nặng thì phải reo hò, không dô ta, không hò khoan đố ai kéo được.
Bọn lính phải chịu về không.

Lại một lần nữa, Chúa sai lính đến ỉa giữa nhà Quỳnh. Quỳnh cầm dao ra bảo lính:

- Chúa sai các anh đến ỉa giữa nhà ta, thì cứ việc ỉa, nhưng cấm đái, anh nào mà đái ta cắt dái đi.

Ỉa ai mà nhịn đái được, bọn lính phải cắp đít về. Có một vài anh láo, nghe thấy thế, đái ở trước nhà, rồi mới đến ỉa, lại đem gáo dừa đề phòng. Quỳnh thấy nó lập mưu trước, đành chịu nhưng trong bụng căm lắm, bèn kiếm cách xược lại Chúa. Ít lâu sau, Quỳnh đi mua một cây cải thật to sai người đem dâng, làm cơm chúa xơi. Khi Quỳnh vào hầu, Chúa hỏi cải đâu mà to lạ thế và khen ngon.

Quỳnh thưa:

- Cải nhà trồng, trước nó không to mấy, nhờ độ nọ Chúa sai lính đến ỉa nhà thần, thần đem phân ấy bón cho, nên lớn bổng lên thế. Cây nhà lá vườn đem dâng để chúa xơi.

Chúa Trịnh tái mặt lại.

Trước Tiếp theo

Các bài viết liên quan

1. Vì sao nàng thi rớt thanh lịch? (Tạo ngày: 1422607708)

2. Cuộc thi kì lạ (Tạo ngày: 1422670598)

3. Gọi điện về nhà hỏi thăm tin tức (Tạo ngày: 1422847231)

4. Diêm Vương thèm ăn thịt (Tạo ngày: 1422943386)

5.  Yết thị (Tạo ngày: 1422943608)

6. Vova đi thi tốt nghiệp (Tạo ngày: 1422943954)

7. Việt Nam thi gan dạ (Tạo ngày: 1422946995)

8. Cuộc thi bắn cung (Tạo ngày: 1422947953)

9. Cuộc thi ở dơ (Tạo ngày: 1422957680)

10. Cuộc thi điều khiển voi (Tạo ngày: 1422957810)

Tất cả bình luận (0)

  • 500 ký tự
  • Capcha: