Say mà còn sĩ diện
26-12-2019
Một anh chàng say nhưng lại sĩ diện sẽ kéo theo những tình huống cười ra nước mắt. Anh chàng dưới đây là một ví dụ điển hình.
Sau bữa cơm no say ở nhà bạn, anh chàng bợm rượu đứng dậy xin phép ra về. Chủ nhà bảo:
- Này, có xỉn quá thì đợi vợ tớ pha cho cốc nước chanh rồi hãy về.
- Không sao, vẫn tỉnh táo mà.
Rồi nhìn thấy cái nồi cơm điện ở góc nhà, anh ta nói:
- Ôi, suýt thì tôi quên cái mũ bảo hiểm.
- !!!
Nghịch lý cũ mới
Chẳng có gì khó khăn khi nhận ra sự khác nhau rất lớn giữa đôi uyên ương mới cưới và cặp vợ chồng lâu năm.
Hai vợ chồng mới cưới đi hưởng tuần trăng mật. Tàu vừa đến bến, thấy đông người, cô dâu mới rụt rè nói với chồng:
- Anh yêu! Phải làm sao..., em không muốn người ta để ý thấy mình là vợ chồng mới cưới.
- Vậy em xách va ly đi.
- !!!
Bài học ... xưa lắm
Câu chuyện này đã được truyền tụng trong dân gian từ lâu...
Ngày xửa ngày xưa... xưa lắm! Tận cái thời chưa có... tham nhũng!
Tại một làng nọ có cặp chiến hữu hoàn cảnh khá giống nhau. Cả hai đều ly nông từ lâu nhưng lại bất ly hương. Khốn nỗi ở cái xứ bước ra là ruộng bước vào là nương này mà không biết cày, biết cấy thì xóa đói cũng chẳng xong chứ nói gì giảm nghèo.
May mắn là cả hai đều có vợ đảm đang tần tảo. Nhưng bám gấu váy đàn bà mãi cũng nhục, sau nhiều độ nhậu lâm ly bi tráng nghiên cứu, điều tra, tìm hiểu... lẫn nhau, cả hai mới phát hiện rằng đàn ông tay nào cũng nhậu cả nên quyết định đi buôn rượu.
Nghe chồng phân tích, một vốn bốn lời, thị trường rộng mở, gương mặt hai chàng đỏ gay múa tay múa chân minh chứng rõ rệt, hai cô vợ thấy cũng có lý nhưng cũng cố vặn vẹo:
- Lỡ ế thì sao?
- Không bao giờ! Vợ có thể ế chứ còn rượu thì không. Cùng lắm thì tụi anh sẽ ráng... uống hết!
Câu trả lời hoàn toàn thuyết phục. Dầu sao họ cũng uống, lỡ kẹt thì uống rượu nhà giá gốc lại khỏi phải lo ngộ độc.
Vốn là người chịu khó chịu thương, hai cô bàn với nhau cùng hợp tác nấu rượu cho chồng đi bán. Gia cảnh cũng chẳng khấm khá gì lại phải vay vốn để sản xuất nên cả hai rất tiết kiệm: gạo mua tận gốc, củi lửa tận dụng, hèm dùng nuôi heo... để giảm giá thành.
Hôm tiễn chồng lên ghe với chum rượu, bao gạo, bịch khô... và một đồng bạc tích cóp từ lâu, hai cô sụt sùi dặn dò ráng tằn tiện, luôn nhớ câu "tiểu phú do cần"...
Chiều xuống, giữa mênh mông sông nước, không ai dòm ngó, hai chàng bỗng cảm thấy buồn buồn ngưa ngứa. Nuốt ực một cái, chàng A bậm môi quẳng ra đồng bạc:
- Bán một lít!
B hí hửng đong và cả hai bắt đầu nhâm nhi... Vừa cạn lít đầu tiên, nhìn con cá khô mặn mới chỉ mất cái đầu, anh B tức tối móc đồng bạc ra dằn mạnh:
- Anh em mình dãi dầu mưa nắng để làm giàu mà họ trả công quá bèo. Lấy thêm lít nữa!
Lúc này đến phiên chàng A cặm cụi đong...
Chiếc ghe cứ thế xuôi dòng, đồng bạc chạy qua chạy lại, rượu cứ vơi dần...
Sau ba ngày mua bán lòng vòng, chum đã cạn queo. Hai chàng bèn múc nước sông đổ vào, quay ghe về bến.
Nhìn chồng hốc hác hẳn đi sau ba ngày buôn rượu báo cáo kết quả kinh doanh với đủ mọi lý do khách quan như trời mây, sông nước, tại chất lượng hàng... vô cùng thuyết phục, nhưng vẫn bán tin bán nghi, một nàng vốn hời hợt giở chum ra xem qua thấy vẫn còn đầy sóng sánh nên thông cảm bỏ qua. Cô kia đáo để hơn, chấm ngón tay vào nếm thử, biết ngay sự việc. Nhưng xấu chàng cũng hổ thiếp, nên đành ngậm tăm, chờ đến khuya mới lôi nhau ra xử lý nội bộ!
Được vài ngày, hai chàng lại ỉ ôi hứa hẹn sẽ rút kinh nghiệm, vừa học vừa làm... Lỡ phóng phải theo, hai cô vợ lại tiếp tục vay vốn, còng lưng nấu rượu cho chồng đi buôn cho đến khi lụn bại!
Đây rõ ràng là một câu chuyện tham nhũng điển hình. Của công cứ lần lượt thất thoát vào túi riêng, Bài học rút ra:
- Không giao trọng trách cho kẻ bất tài.
- Chớ bố trí người thân vào cương vị lãnh đạo.
- Phải thẩm định kỹ các dự án.
- Luôn kiểm tra chặt chẽ, không tạo kẽ hở.
- Trả lương thỏa đáng.
- Người giám sát phải có đầy đủ năng lực và trách nhiệm.
- Thận trọng trong việc sử dụng vốn, nhất là vốn vay.
- Xử lý nghiêm minh các sai phạm.
Cuối cùng nên nhớ, thương trường không phải... nhà trường! Phải đào tạo mới sử dụng, đừng sử dụng rồi mới... đào tạo!
Thư gửi bạn
Đây là câu đầu tiên tao gửi cho mày. Kế đến, tao sẽ viết cho mày câu thứ hai. Câu này nữa đã là câu thứ ba rồi đó. Tèo à, mày có biết câu mày đang đọc đã là câu thứ tư rồi không? Vậy mà tao vẫn không thể bắt đầu câu chuyện ở câu thứ năm này.
Tao hy vọng sẽ nói được điều muốn nói với mày ở câu thứ sáu, nhưng sao thấy khó mở lời quá, hẹn mày ở câu thứ bảy nha. Mà thôi, đợi thư xuống dòng, tao sẽ tâm sự với mày được nhiều hơn.
Tèo ơi! Mày có biết giờ đã là câu thứ mấy rồi không? Tao học dốt quá nên không thể đếm nhiều được. Nếu tao không nhầm thì đã là câu thứ mười rồi.
Mày biết không, khi tao chấm hết câu này cũng là lúc tao chuyển sang câu thứ mười bốn rồi đó. Tao dự định sẽ nói toạc móng heo ra đây, nhưng cứ sợ mày không đủ bình tĩnh, nên tao đành để nó ở câu sau nữa. Tèo à! Mày có đang nghe tao nói đó không? Điều tao muốn nói với mày là hãy kiên nhẫn đọc câu kế tiếp. Và nếu mày tin tao, hãy đọc thêm câu này nữa. Tao không muốn làm mất thời gian của mày thêm, nên tao sẽ cho mày biết ngay bây giờ. Tèo à, tao muốn nói là... là... mày hãy đọc lại lá thư này, Tèo nhá!