Vui Một Chút

Cười là vui, vui càng phải cười.

Trước Tiếp theo

06-09-2018

Chuyện Quỳnh lừa bà Chúa Liễu chỉ cúng bò bằng lời khấn suông, lại còn làm đổ gãy cả tai ngai, làm Chúa giận lắm, nên Chúa bắt vợ Quỳnh ốm lăn ốm lóc. Theo yêu cầu của vợ, Quỳnh đành phải đến đền khấn, để Chúa Liễu giải hạn cho. Quỳnh đến, khấn: – Em lỡ đùa với chị, em có lỗi, thì chị quở em, sao chị lại phạt vợ con em bắt phải ốm, mà họ có tội tình gì? Em xin chị tha cho vợ con em, và xin lần này sẽ tạ chị ba bò, em sẽ để ở ngoài sân, chứ không dám vào đền, chị yên tâm, khỏi phải lo gãy đổ. Chúa Liễu nghe Quỳnh nói lễ những ba bò thì mừng lắm. Lại hứa cúng ở ngoài sân, như thế, thì Quỳnh cũng tỏ ra biết điều. Khi vợ con hết ốm, Quỳnh lững thững đến đền với đôi tay không, rồi đứng trước bàn thờ Chúa Liễu, chắp tay khấn: – Chị đã phù hộ cho vợ con em tai qua nạn khỏi, biết ơn chị, nay giữ đúng lời hứa, em xin tạ chị đủ “Ba bò” ở ngay tại sân đền. Nói xong, Quỳnh từ từ lui ra, rồi quỳ xuống, bò đúng ba vòng trước sân. Bò xong, Quỳnh phủi tay, đứng dậy, ngoảnh mặt vào phía bàn thờ Chúa Liễu cười: – Thế là chị sướng nhá! Em tạ chị lần này những “Ba bò” đấy! Xong, Quỳnh ung dung bước ra về, để lại nỗi tức giận tràn hông cho Chúa Liễu
Gặp khoa thi, Quỳnh ra ứng thí. Đường đi qua đền Sòng, Quỳnh vào yết Chúa Liễu, xin Chúa phù hộ cho, đỗ thì xin trả lễ. Quỳnh ra thi, quả nhiên đỗ thật. Vinh quy về, Quỳnh mua một con bò mẹ, một con bò con đem đến lễ. Quỳnh quỳ xuống lạy, rồi dắt con bò mẹ đến buộc vào tay ngài mà khấn rằng: – Chúa có lòng thương phù hộ cho Quỳnh được đỗ, nay gọi là có một con bò để trả lễ. Xin Chúa nhận cho. Chúa là chị, xin lễ con lớn, còn con nhỏ, em xin đem về khao dân Nói rồi, dắt bò con về. Con bò mẹ thấy dắt mất con đi, lồng lên chạy theo, làm ngai Chúa đổ lổng chổng, lộng gãy cả. Quỳnh cười nói: – Chị thương em nghèo, trả không lấy, thì em xin đem về vậy. Nói rồi dắt cả hai mẹ con bò về.
Các bà, các cô chợ búa ở khắp các phường kinh thành Thăng Long, chưa bao giờ đi chợ lại gặp chuyện lạ kỳ như sáng hôm nay. Họ đến hàng thịt lợn, thịt trâu, thịt bò,… hỏi mua, nơi nào người ta cũng lắc đầu quầy quậy nói đã có khách đặt trước rồi. Người mua không nghi ngờ gì, tin người bán nói thật vì các loại thịt đều đã được thái nhỏ ra thành miếng chứ không để nguyên tảng. – Hỏi ra mới biết nhà vua ngày ngày giao cho quan Trạng làm chủ một tiệc rất lớn. Nghe nói khách đông lắm phục dịch không xuể. Gia nhân được lệnh quan Trạng, đến báo cho các hàng thịt khắp nơi thái sẵn, có bao nhiêu cũng mua, đắt mấy cũng lấy, để về nhà bếp chỉ có việc chế biến gia giảm, kịp làm cỗ, soạn mâm. – Nhưng ngày hôm ấy, đến khi chợ vãn hết người, ruồi muỗi vù vù đến bâu, các quầy hàng thịt vẫn còn đóng ghế ngồi đợi… Quá trưa sang chiều, thịt đã bắt đầu ôi chảy nước ra vẫn không thấy mặt mũi khách hẹn đâu. Trong bọn họ nhiều kẻ sốt ruột, đành liều thẳng đến nhà quan chẳng thấy cổ bàn, khách khứa nào cả. Họ hỏi đầu đuôi, thì chính Quỳnh ra trả lời rằng: – Sao bà con lại dại dột cả tin như vậy? Chắc có đứa nào mạo danh “Trạng” chơi xỏ đấy thôi. Cớ sự đã thế, bà con cứ gọi những thằng nào, con nào “bảo thái” ra mà chửi cho bọn khoảnh ác chừa cái thói ấy đi. – Các hàng thịt không nhớ mặt, biết tên phường những người đặt hàng. Bực mình chỉ còn biết đứng ra giữa chợ chửi um lên: Tiên sư thằng “Bảo Thái”! Tiên sư thằng “Bảo Thái”! – “Bảo Thái” là niên hiệu vua Lê đương thời. Thành thử nhà vua không làm gì bọn hàng thịt mà bị chúng réo tên chửi oan, không còn mặt mũi nào ra khỏi cổng thành nữa.
Chúa Trịnh ngày nào cũng yến tiệc, ních đầy bụng những sơn hào, hải vị. Người ăn của ngon nhàm mồm đâm ra khó tính. Một hôm chúa khó ở, lưỡi se đắng, bụng ậm ạch. Nhân ngồi với Quỳnh, chúa phàn nàn: – Ta ngẫm không còn thiếu thứ gì quý hiếm trên đời chưa thưởng thức. Quái lạ, thế mà vẫn chưa món nào làm ta thực sự cảm thấy ngon miệng. Điều đó là tại làm sao, Trạng nói ta hay? – Quỳnh nói luôn: Thế chúa đã xơi món mầm đá bao giờ chưa? – Chúa lấy làm lạ: Món mầm đá thế nào, chắc ngon lắm phải không? – Quỳnh đáp: Tuyệt trần đời. Nhưng muốn ăn mầm đá phải kỳ công. – Chúa liền nằng nặc: Sợ gì công phu! Miễn là được ăn ngon. Nhất là lúc này, người đang mệt mỏi, ta đang rất cần ăn biết ngon. Trạng hãy mau chóng cho làm móm mầm đá kia đi! – Ít lâu sau, vào tờ mờ sang. Quỳnh viết thiếp cho gia nhân mời chúa đến nhà thết tiệc mầm đá. – Chúa đến nhà Trạng ngay từ mới rạng sáng. Đến khi mặt trời đứng bóng, vẫn thấy Quỳnh bận rộn lụi hụi dưới bếp, thỉnh thoảnh chạy ra, chạy vào, mồ hôi nhể nhại, khăn tay vắt vai, tay áo xắn đến khuỷu…Chúa nghĩ thầm “Đúng là món mầm đá kỳ công thật, nên Trạng mới phải ra tay đốc thúc nhà bếp tất tưởi như thế kia!” – Quá ngọ, sang mùi, bụng chúa bắt đầu cồn cào. Quỳnh vừa ló mặt, chúa chép miệng, trách: Sao “mầm đá” lâu chin thế? Biết vậy thế này ta chẳng nhận lời đến nhà Trạng hôm nay. – Quỳnh lấy khăn tay thấm mồ hôi trán khải rằng: Thần muốn chúa ngon miệng nên mới dụng công ninh “mầm đá” thật công phu. Xin gắng đợi chút nữa, sắp chín rồi… – Một chốc chúa lại giục, Quỳnh lại khẩn khoản thưa: “Gắng đợi thêm một chút mầm đá không kỹ lửa, không ninh nhừ khó tiêu…” – Mặt trời xế bóng vẫn chưa thấy món mầm đá được dọn ra. Mùi cá khô, lẫn mùi khói bếp bên mấy nhà vào bữa cơm chiều, làm chúa “Nhức lỗ mũi”, ứa nước dãi. Chúa đành gọi Quỳnh lên , chúa ngồi lù đù hóp bụng lại, thú thật: Ta đói lắm rồi, không đợi được nữa. Mẩm đá để dành ăn sau cũng được. Bây giờ có thức gì dùng tạm, Trạng cứ cho mang lên! – Quỳnh dạ một tiếng, vẻ miễn cưỡng rồi hét vọng xuống bếp: Cứ chất thêm củi vào nồi “mầm đá”! Hãy bưng cơm lên dâng chúa dùng cho qua loa đã chúng bay! – Gia nhân dạ ran, rồi bê cái mâm lên. Bữa xoàng, có một phạng cơm với rau muống luộc, và một chiếc hũ sành.Chúa thấy ngoài chiếc hũ dán mảnh giấy hồng điều đề hai chữ “đại phong”. Chúa ăn cơm rau chấm nước “đại phong” ngon lành, chỉ một loáng lại đưa bát cho Trạng xới tiếp. Chúa nghĩ bụng, chắc món này cũng quý hiếm đặc biệt, nên thấy Trạng giữ gìn chiếc hũ cẩn thận. Có lần rau đã hết nước chấm, mãi mới thấy Trạng cẩn thận đỡ miệng hũ, múc thêm mấy muôi nhỏ “đại phong” nữa… — Chúa ngắm nghía chiếc hũ lại nhìn Trạng. Này khanh, “đại phong” là món gì mà ngon lạ như vậy? – Khải chúa, đây chỉ là món thường nhật của con nhà trong làng. – Chúa không tin: Hai chữ “đại phong” là nghĩa thế nào? – Quỳnh tủm tỉm cười: Nhà chúa nhìn được mặt chữ, tự giải lấy, khắc rõ. – Chúa lẩm bẩm: Đại phong tức là gió lớn, phải không? – Quỳnh gật đầu, hỏi tiếp: Vậy gió lớn thì làm sao? – Chúa bối rối như học trò không thuộc bài, nhìn Trạng. – Quỳnh giảng giải: Gió lớn ắt đổ chùa! – Trạng lại tiếp, hỏi dần: Đổ chùa thì làm sao? – Chúa càng ấp úng. Quỳnh nói: Đổ chùa thì sư, vãi bỏ chạy, xôi oẵn mất hết… Của ngọc thực rơi vãi hết thì ông bụt nào cũng phải lo… Tượng lo thì làm sao? – Trạng hỏi, đáp, dồn dập, liên hồi. Chúa chỉ còn biết ngồi trơ ra như phỗng. Hồi lâu, Quỳnh mới chịu khẽ khàng cắt nghĩa: Đến trẻ con cũng biết đọc ngược thì “tượng lo” là “lọ tương”. Khải chúa, thứ tương đỗ này không cao sang đâu, chẳng qua chúa quên mất những miếng ngon lành ở làng xóm rồi. Nay thần bày cách ninh “mầm đá”, chẳng thể đun được nhừ, đợi đến bao giờ cũng không có thể ăn được. Chúa cứ ngồi cho bụng thật đói, miệng thật thèm, bấy giờ chỉ cần lấy lưng cơm với món “đại phong” xoàng xĩnh này, chúa thấy ngon miệng. – Chúa Trịnh bừng tĩnh trước một sự thật ngay bên mình… Chúa đứng dậy, cảm ơn Trạng, ra về.
Trước Tiếp theo

Các bài viết liên quan

1. Trung tâm máy tính (Tạo ngày: 1422847277)

2. Sao chưa mời tôi ăn? (Tạo ngày: 1422848546)

3. Vova viết tắt (Tạo ngày: 1422852198)

4. Đầu to bằng cái bồ (Tạo ngày: 1422929707)

5. Đất nứt con bọ hung (Tạo ngày: 1422929771)

6. Dê đực chửa (Tạo ngày: 1422930388)

7. Còn đau hơn (Tạo ngày: 1422943730)

8. Vova đi thi tốt nghiệp (Tạo ngày: 1422943954)

9. Cuộc thi vắt sữa bò (Tạo ngày: 1422958295)

10. Chú Việt Nam đi đấu thầu (Tạo ngày: 1422958636)

Tất cả bình luận (0)

  • 500 ký tự
  • Capcha: