Chửi quan
24-02-2015 admin
Có một ông quan án lên là Nguyễn Văn Tiêu (hay còn gọi là Án Tiêu) về quê ngoại là làng Yên Lược ăn giỗ. Ông ta bắt dân làng phải dọn dẹp đường sá sạch sẽ, mang cờ quạt đón rước thật long trọng. Mọi người phải quét đường làng, phát quang cây cối.
Khi gà gáy, Xiển dậy lấy cứt chó đem ra đường cái, cứ cách một quãng bỏ một bãi, bãi nào cũng cắm một quả ớt lớn (ở Thanh Hoá gọi ớt là hạt tiêu). Sáng ra, khi mọi người kính cẩn đón rước quan án Tiêu, Xiển vác cờ đi trước, cứ hễ trông thấy bãi cứt có cắm quả hạt tiêu, ông lại chửi: "Tổ cha đứa nào ỉa ra tiêu". Quan án Tiêu nằm trong cáng nghe tiếng chửi, biết là Xiển chửi mình nhưng không đủ lý do để bắt bẻ, đành gọi bọn lý hương lại, quở trách không chịu đôn đốc dân phu quét dọn đường sá cho sạch và bảo chúng truyền lệnh rằng: "Quan huyện trong người khó ở, mọi người không được to tiếng, ồn ào!"
Vả miệng quan
Có một viên quan huyện hay nịnh hót quan trên để chóng được thăng quan tiến chức. Một trong những viên quan hắn thường bợ đợ là án sát Nguyễn Văn Tiêu, tục gọi là án Tiêu.
Ðể nịnh quan thầy, hắn ra lệnh cho dân hàng huyện không ai được nói đến tiếng "tiêu", ví dụ như hạt tiêu thì hải nói là hạt ớt v.v... Hễ ai thấy người nào trái lệnh thì được phép vả vào mồm ba cái thật đau, rồi đem trình quan trị tội. Lệnh ban ra khiến Xiển đã ghét quan huyện lại càng ghét thêm. Ông mang một ít quần áo rách mướp xin vào bái quan. Quan hỏi có việc gì, Xiển thưa là nhà nghèo quá, gia tài chỉ còn một ít quần áo rách, nhờ quan cầm hộ cho lấy ít tiền về làm vốn sinh nhai. Tức thì quan nổi trận lôi đình thét mắng đùng đùng, vì xưa nay có ai dám cả gan đem quần áo rách đên bán cho quan bao giờ? Ðợi quan nguôi giận, Xiển mới nói:
- Dạ thưa ngài, xin ngài thương kẻ học trò nghèo túng này, không gì cũng mang danh là người quân tử...
- Quân tử gì mày! Ðồ quân tử cùng quân tử cố!
Xiển trần tình:
- Dạ, Khổng Minh túng Khổng Minh cầm ạ!
Nghe câu nói khó hiểu, quan chau mày suy nghĩ một lúc mới biết lời mắng của mình: "Quân tử cùng quân tử cố" với lời trần tình của Xiển: "Khổng Minh túng Khổng Minh cầm" (1) đã làm thành đôi câu đối hay tuyệt. Quan phục tài Xiển, thưởng cho một quan tiền, nhưng lại chọn cho cái thứ tiền chôn giấu dưới đất lâu ngày bị han rỉ hết cả. Xiển đỡ lấy quan tiền, cầm một đồng dằn mạnh xuống đất, tiếng kêu nghe cành cạch, rồi nói:
- Bẩm quan, tiền này không "ớt" được ạ!
Quan vô tình mắng:
- Mày điên à! Tiền này mà không tiêu được ư?
Chỉ chờ có thế, Xiển liền vả cho quan ba cái tát vào mồm như trời giáng. Quan hô lính bắt trói. Xiển ngăn lại nói:
- Chắc ngài vẫn chưa quên cái lệnh kiêng tên huý quan án ngài mới ban ra. Tôi làm vậy cũng chỉ là thi hành cái lệnh ấy của ngài mà thôi!
Quan sợ bọn lính biết chuyện thì mình thêm xấu hổ, liền đuổi Xiển ra.
Quan đấy
Ở Thanh Hóa, năm nào cũng vậy, cứ gần tết Nguyên đán, viên tri phủ Hoàng Hóa cùng vợ đi chợ tết. Từ phủ ra chợ Bút Sơn rất gần, nhưng vốn tính hách dịch, quan phủ bắt lính cáng ra tận cổng chợ và mang theo hai cái lọng xanh che.
Hồi này, Xiển Bột hãy còn nhỏ, xong thấy cái oai rởm của quan thì ghét lắm. Xiển mang một con chó con đi chợ, nhưng không bán, cứ ôm ở trước bụng, lúc thì chen đi trước quan, lúc thì lùi lại đi sau quan. Thấy Xiển mang chó, ai cũng tưởng Xiển mới mua, liên hỏi:
- Chó bao nhiêu?
Xiển trả lời: - Quan đấy!
Quan phủ biết thằng bé ôm chó chửi xỏ mình, cho lính bắt lại hỏi:
- Ai xui mày ăn nói như thế?
Xiển đáp:
- Bẩm quan, nhà con muốn nuôi mọt con chó con để dọn cứt cho em, nên bố mẹ con bảo con đi mua.
Quan hỏi: - Mày là con cái nhà ai?
Xiển trả lời: - Bẩm con là chắt cụ Trạng Quỳnh ạ!
Quan nghe nói Xiển là chắt cụ Trạng Quỳnh thì có ý gờm, nhưng chưa tin lắm.
- Ðã là chắt cụ Trạng tất phải hay chữ. Thế mày có đi học không?
Xiển đáp: - Bẩm quan, con là học trò giỏi nhất vùng này ạ, quan lớn không đi học nên không biết đó thôi.
Thấy Xiển vẫn tìm cách xỏ mình, quan nổi giận:
- Mày vô lễ! Nhưng đã nhận là học trò giỏi thì phải đối câu này. Hay tao tha tội. Dở tao đánh đòn.
Quan đọc: "Roi thất phân đánh đít mẹ học trò".
Xiển hỏi:
- Xin phép hỏi: "Roi" đối với "lọng" có được không ạ?
Quan đáp: - Ðược.
Xiển lại hỏi:
- Thế "đít" đối với "đầu", "mẹ" đối với "cha" có được không ạ?
Quan lại đáp: - Ðược!
Xiển toan hỏi nữa. Quan Quát: - Không được hỏi nữa. Ðối đi!
Xiển liền đối: "Lọng bát bông che đầu cha quan lớn!"
Không ngờ Xiển lại dám chửi mình một lần nữa, để chữa thẹn, quan lấy giọng bề trên mắng Xiển qua loa một vài câu, rồi quát bảo lính hầu sửa soạn ra về.
Đánh trống cấm
Sau một thời gian làm mõ, Xiển lại phải làm đầy tớ hầu điếu tráp cho lão chánh tổng. Một lần, lão chánh tổng đi chơi xa, Xiển theo hầu.
Khi đến làng nọ thấy có một cái trống mặt to bằng cái nong, hai thầy trò lấy làm lạ quá, vào xem. Có tới mười người khách qua đường cũng đang bàn tán về cái trống đó, trên tang trống có đè mấy chữ: "trống cấm", nên chả ai dám lại gần. Bỗng Xiển lớn tiếng:
- Có ai dám đố tôi đánh cái trống cấm này không nào?
Một người cười:
- Ðến cố tổ nhà anh sống lại cũng không dám đụng đến nữa là anh.
Xiển một hai cam đoan là đánh được, không sợ gì cả. Trong số đó có một người buôn bán giàu có, trong túi sẵn tiền, cho là Xiển khoác lác, ngứa tai lắm, bảo:
- Anh đánh được đủ ba hồi chín tiếng tôi sẽ cho anh năm chục quan tiền!
Xiển nói:
- Năm chục chả bõ, ít ra cũng phải một trăm.
Người kia bằng lòng, bảo:
- Ðược, anh không làm được đúng như lời nói, thì phải ở cơm không cho tôi mười năm.
Hai bên làm giấu giao kè, có một người đứng tên làm chứng.
Xiển bắc thang, vác dùi trèo lên, dang thẳng cánh nện đủ ba hồi chín tiếng. Trống kêu, vang cả tai, nhức cả óc. Vài ba người nhút nhát, sợ liên lụy, vội tháo lui. Chiếu theo giao kèo, Xiển bắt người kia phải giao đủ số tiền.
Nghe trống đánh bất thình lình, dân làng kinh ngạc, lũ lượt kéo nhau ra đông như hội. Lý trưởng, tay cầm hèo, len qua đám đông, khệnh khạng bước vào đền quát tháo ầm ĩ. Xiển ra trước mặt lý trưởng vái chào rồi gãi đầu gãi tai nói:
- Dạ trình ông, tôi là khách qua đường, thấy cảnh làng ta trù phú, thấy đền ta linh thiêng, nên có năm chục quan tiền trước để hầu thánh sau hầu làng. Nhưng vì không biết làm thế nào gặp ông cùng tất cả dân làng được, buộc lòng phải đánh vài hồi trống, xin các ông đánh chữ đại xá cho.
Thấy có món tiền lớn, lý trưởng cùng hội đồng chức sắc thích quá, bàn nhau hãy trích ngày ra mười quan làm bứa chén đãi ông khách hảo tâm.