Đánh trống cấm
24-02-2015 admin
Sau một thời gian làm mõ, Xiển lại phải làm đầy tớ hầu điếu tráp cho lão chánh tổng. Một lần, lão chánh tổng đi chơi xa, Xiển theo hầu.
Khi đến làng nọ thấy có một cái trống mặt to bằng cái nong, hai thầy trò lấy làm lạ quá, vào xem. Có tới mười người khách qua đường cũng đang bàn tán về cái trống đó, trên tang trống có đè mấy chữ: "trống cấm", nên chả ai dám lại gần. Bỗng Xiển lớn tiếng:
- Có ai dám đố tôi đánh cái trống cấm này không nào?
Một người cười:
- Ðến cố tổ nhà anh sống lại cũng không dám đụng đến nữa là anh.
Xiển một hai cam đoan là đánh được, không sợ gì cả. Trong số đó có một người buôn bán giàu có, trong túi sẵn tiền, cho là Xiển khoác lác, ngứa tai lắm, bảo:
- Anh đánh được đủ ba hồi chín tiếng tôi sẽ cho anh năm chục quan tiền!
Xiển nói:
- Năm chục chả bõ, ít ra cũng phải một trăm.
Người kia bằng lòng, bảo:
- Ðược, anh không làm được đúng như lời nói, thì phải ở cơm không cho tôi mười năm.
Hai bên làm giấu giao kè, có một người đứng tên làm chứng.
Xiển bắc thang, vác dùi trèo lên, dang thẳng cánh nện đủ ba hồi chín tiếng. Trống kêu, vang cả tai, nhức cả óc. Vài ba người nhút nhát, sợ liên lụy, vội tháo lui. Chiếu theo giao kèo, Xiển bắt người kia phải giao đủ số tiền.
Nghe trống đánh bất thình lình, dân làng kinh ngạc, lũ lượt kéo nhau ra đông như hội. Lý trưởng, tay cầm hèo, len qua đám đông, khệnh khạng bước vào đền quát tháo ầm ĩ. Xiển ra trước mặt lý trưởng vái chào rồi gãi đầu gãi tai nói:
- Dạ trình ông, tôi là khách qua đường, thấy cảnh làng ta trù phú, thấy đền ta linh thiêng, nên có năm chục quan tiền trước để hầu thánh sau hầu làng. Nhưng vì không biết làm thế nào gặp ông cùng tất cả dân làng được, buộc lòng phải đánh vài hồi trống, xin các ông đánh chữ đại xá cho.
Thấy có món tiền lớn, lý trưởng cùng hội đồng chức sắc thích quá, bàn nhau hãy trích ngày ra mười quan làm bứa chén đãi ông khách hảo tâm.
Làm ma mẹ
Bọn chức sắc, hương lý trong làng lúc nào cũng nghĩ đến rượu thịt. Thấy bà mẹ Xiển vừa mới mất, chúng bắt phải làm ma, mời "làng" đến ăn uống.
Nhà Xiển nghèo lắn, đến khoai sắn còn không có ăn thì lấy gì làm ma, nhưng không làm chúng sẽ đuổi đi khỏi làng. Nghĩ được một mẹo, Xiển bèn đi nói khéo với những tên chóp bu:
- Chả nói các cụ cũng thừa biết, nhà túng quá, xin các cụ rộng lượng để được chôn cất ngày hôm nay cho mồ yên mả đẹp; còn việc ma chay, xin các cụ cho khất đến tuần mồng một sắp tới, vì còn phải vay mượn bà con xa gần, không gì cũng phải kiếm con lợn dăm chục cân, mươi đấu gạo xôi...
Thấy nhà Xiển nghèo túng thật, các "cụ" đành cho khất vậy.
Tuần mồng một tới, Xiển mua chịu được một con lợn thật to, thật béo, nhà chủ giao hẹn ba hôm sau phải trả đủ tiền. Xiển làm thịt ngay, rồi cất thịt vào trong buồng. XIển nhờ người mời "làng" đúng chiều hôm ấy tới uống rượu. Khi "làng" đã tề tựu đông đủ, Xiển mới đem ít mỡ bỏ vào xanh với mười củ hành, rán lên. Mùi mỡ bay ra thơm phức khiến "làng" đang ngồi la liệt trong cái rạp dựng ở ngoài sân, cứ nuốt nước miếng ừng ực. Xiển bưng xanh mỡ cất đi, rồi lừa lúc không ai để ý, châm một mồi lửa lên mái bếp.
"Làng" đang chờ cỗ bưng ra, sốt cả ruột, bỗng nghe tiếng hô hoán nhìn ra thì thấy cái bếp đang bốc cháy. "Làng" hoảng quá, xôn xao ùn ra khỏi rạp. hầu hết những người đi đám đều quần trắng áo dài chỉnh tề, không dám xông vào chữa cháy. Bà con xóm giềng kẻ xách thùng, người vác câu liêm, chạy đến , thì cái bếp đã thành một đống lửa. Xiển mặt mũi, quần áo như ma lem, kêu khóc thảm thiết:
- ối trời đất ôi là trời đất! ối cha mẹ ơi là cha mẹ ôi! ối làng nước ôi là làng nước ôi! Cháy mất hết cả bếp nước, cả cỗ bàn rồi, còn lấy gì mà làm ma làm chay nữa... i hi hi!
"Làng" tưởng cỗ bàn cháy thật, còn xơ múi gì nữa, không ai bảo ai, kẻ trước người sau, ra về cả.
Gà gáy đêm ấy, Xiển gánh thịt lợn đi chợ xa bán. Chiều hôm sau, Xiển mang tiền về trang trải xong nợ, còn thừa một ít, mua ngay mấy cây tre làm lại cái bếp.
Đổi bò gầy lấy bò béo
Làng Yên Lược có một cái văn chỉ lộ thiên thờ Khổng Tử. Trâu bò trong làng thả ăn cỏ ở gần đấy kéo vào phóng uế cả ra bệ thờ. Bọn lý trưởng, cường hào thấy không tiện, bèn họp làng, giao cho Xiển phải trông nom, rào giậu lại, và đặt ra lệ hễ bò nhà ai vào, làng sẽ bắt làm thịt chia phần.
Lệ làng đặt ra, các nhà có bò đều dặn con hoặc người ở hết sức giữ gìn. Xiển có một con bò ốm, gầy như cái mo khô, cứ thả cho ăn ở gần đấy. Một hôm, Xiển để bò vào trong khu văn chỉ, cố ý cho dân làng biết.
Ðang thèm thịt bò, bọn lý trưởng, cường hào lập tức cho người bắt làm thịt. Xiển nói:
- Lệ làng đặt ra, tôi không dám kêu ca gì, chỉ xin làng nhớ cho từ nay trở đi bất cứ bò nhà ai, hễ vào văn chỉ là bắt làm thịt tuốt.
Sau đó ít lâu, Xiển mua mấy cỗ bài tam cúc, chia cho bọn trẻ chăn bò rủ chúng tìm đám đất khô ráo, phẳng phiu ngồi đánh. Bọn trẻ thích quá, xúm nhau, chúi mũi vào ván bài, chẳng để ý gì đến bò mẹ nữa. Xiển lừa cho tất cả đàn bò lại gần khu văn chỉ, rồi mở cổng ra. Thấy cỏ bên trong xanh tốt, một con vào, hai con vào, ba con vào, thế là những con khác cũng chen nhau vào theo. Xiển đóng cổng lại rồi chạy về gọi dân làng ra bắt bò. Bắt được hơn một trăm con, phần nhiều là của bọn lý hương cường hào giàu có trong làng. Chúng bàn nhau:
- Lần này, nhiều người đều phạm phải lệ làng, không lẽ ta đem làm thịt tất cả, vậy thì xin xí xoá.
Xiển nhất định không nghe, lấy cớ rằng lần trước làng đã ăn thịt bò của mình rồi, nay làng tự ý bỏ lệ, Xiển sẽ kiện quan. Sợ Xiển làm to chuyện, chúng bàn nhau đền cho Xiển một con bò, rồi bổ cho các nhà có bò bị bắt chia nhau chịu tiền. Xiển nhất định không nghe, nói:
- Chỉ có hai cách: một là đem làm thịt tuốt, hai là đem chia đều cho dân làng, mỗi nhà một con.
Bọn lý hương cường hào bàn với nhau mãi, cuối cùng phải bằng lòng theo cách thứ hai, vì chia như vậy thì chúng còn được mỗi nhà một con, chứ đem làm thịt thì mất cả. Thế là, không những Xiển đã đánh đổi được bò béo, mà những nhà trong làng cũng được mỗi nhà một con.
Góp gốc
Hồi ấy quân Pháp đã sang xâm lược nước ta. Nhiều người nổi dậy chống lại triều đình vì vua quan nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp.
Theo lệnh quan trên, trai tráng làng yên Lược đêm nào cũng phải ra đình canh phòng. Gặp mùa đông rét mướt, họ chia nhau lần lượt mỗi tối một anh góp gốc để sưởi cho ấm. Xiển vốn có cảm tình với những người nổi loạn chống lại triều đình, nên cứ nay cáo nhức đầu, mai cáo đau bụng không chịu đi canh phòng. Họ bắt Xiển phải nộp gốc mới cho ở nhà. Xiển đào một ít gốc chuối gánh ra, nhè giữa đống lửa đang cháy giần giật mà đổ vào, thế là cả đống lửa tắt phụt. Lẵo hương kiểm liền quát hỏi Xiển. Xỉen trả lời:
- Các ông bảo tôi góp gốc. Nhà tôi chả có gốc gác chi cả, chỉ có gốc chuối mà thôi. Gốc nào mà chả là gốc, các ông không nhận thì lại xin gánh về vậy.