Sân quạ
10-03-2015 admin
Ở Phong Lưu, Cạnh Đền có một sân chim, mỗi lần người ta bắt hàng vạn con còng cọc, cò long bong, cò quắm, vạc, diệc mốc... chở ra chợ bán. Sau hậu đất tui thì có "sân quạ", chuyện mới lạ đời!
Số là mùa hạn năm đó, nắng khô hết đìa bàu, ao vũng xứ này. Trâu bò phải đi kiếm nước uống ở những cái giếng giữa đồng xa.
Tui có bầy trâu tất cả là tám con. Nhưng chiều bữa đó, chúng đi ăn về lại lạc mất con đực pháo. Sau đó mấy tháng lăng xăng chạy kiếm đủ chỗ, tui mới gặp nó đứng chổng khu uống nước ở một cái giếng trong đầu ngàn hậu đất.
Gần đi tới, tui thấy con đực pháo rùng mình lúc lắc, mặc dù bốn cái chân nó còn lún sâu dưới thềm đìa. Tới thêm chút nữa, tui thấy con trâu như nghe được tiếng động, nó cựa mình vùng lên. Gần lại nữa, tui thấy nó run run, giật giật. Lấy làm lạ, tui đi gần lại xem. Con trâu làm như hoảng hồn, lúc lắc nhổ bốn cái chân lên, nhưng bốn chân nó ngay đơ không làm sao nhúc nhích được. Con trâu lại cất tiếng kêu "ọa ọa". Rồi nó trân mình đứng dựng tại chỗ, run rẩy. Thấy đít con trâu lủng một lỗ, tui vội quơ nùi rơm nhét nó lại, rồi đưa tay với sợi dây định dẫn nó về. Nhưng con trâu cố giãy giụa, mà vẫn đứng tại chỗ. Cuối cùng tui phải về, kêu bả ra lôi tiếp con trâu về nhà.
Sau đó, tui với bả bàn mài dao xẻ con trâu. Nào ngờ phèo phổi, ruột gan, thịt thà bên trong con trâu đều bị lũ quạ khoét đít chui vô hồi nào mà ăn sạch trọi. Tui với bả bắt ra được ba trăm hai mươi sáu con quạ vừa lớn vừa nhỏ. Hông tin hả? Hỏi bả thử coi!
Cá nuôi
Nè nè. Anh em đừng chài cá bổi. Cái bổi ăn không được đâu! Anh em bộ đội thì tui thương lắm, mới nói cho mà biết vậy đó. Cá bổi tui nuôi trong vuông đất này là loại đặc biệt, chớ không phải loại thường nuôi để bán đâu. Chú em mầy cất chài đi. Cá bổi phệt của qua coi lớn bằng cái quạt mo vậy, chớ thịt ăn chát ngấm thôi. Vô nhà biểu mấy đứa nhỏ lấy vài cần câu cá rô với một cần câu cá lóc ra đây. Đứa bắt cào cào, đứa bắt nhái nhót mà câu, mà nhắp một hồi ăn chết mệt không hết. Mấy con cá bổi phệt lỡ chài lên được đó, thả xuống đìa lại đi. Thứ cá rô mề của qua, hai đứa câu một lát có mà khiêng, chớ quân ngũ nào ăn cho hết. Con nào con nấy bằng bàn tay xòe, da đen trạy, trứng óc nóc, đuôi đỏ chót, mỡ cứng như mỡ rùa vậy. Còn nói chi đến thứ cá lóc kềnh của qua nuôi. Con nào mà không mọc hai sợi râu dài cỡ lóng tay sắp lên. Chú em mày thử nhắp lên vài con cá lóc thì biết. Tụi nhỏ xóm này thường lấy vảy cá lóc của qua làm đồng xu để đánh đáo đó. Vì cá của qua có cho ăn mồi đàng hoàng mà. Loại nào cho mồi nấy. Chú em mày trông thấy đó! Vườn qua trồng rặc có ba thứ cây: xoài, cau với dừa. Suốt năm cây sai oằn cứ để cho trái rụng xuống cho cá ăn. Cá bổi thì ăn cau tầm vun nên thịt nó chát ngấm. Cá rô thì ăn xoài, bởi vậy cá rô nấu canh chua không cần bỏ me, dầm me gì đâu. Nè! Ráng nhắp ít con cá lóc mang về tối nấu cháo ăn tẩm bổ nghe. Cả vườn dừa của qua vậy đó, dừa khô cứ rụng xuống mương, rụng bao nhiêu thì cá lóc táp ăn hết trọi. Bởi vậy thịt cá lóc nấu cháo thì khỏi phải vắt nước cốt dừa mà ăn cũng béo ngậy.
Con chó săn dũng cảm
Trời mới rạng đông, nghe con heo nái trong chuồng hộc hộc, tui biết là con heo rừng nọc chiếc vô nhảy đực heo nái mình nữa rồi. Tui chộp cây mác thong, kêu con chó Nô nhảy ra. Con chó Nô là loại chó nòi, giỏi vô cùng, nhưng lúc này nó đang có chửa gần đẻ nên cũng hơi ột ệt.
Lúc tui chạy tới thì con heo nọc chiếc cũng vừa bỏ chuồng đi ra rồi. Nó to cỡ con bò, màu lông vàng hực, da lăn dầu chai, có u có nần. Vừa đi, nó vừa nghếch cái mõm như cây đàn bầu lên táp bốp bốp, nghe chẳng khác mình cầm cái mủng dừa úp lại. Hai cục bọt trắng xóa đóng hai bên mép miệng, gần chỗ cặp nanh trắng ơn, cong vút.
Thấy tui với con Nô đuổi theo sát, nó quay lại, mái đít ngồi nhìn. Mũi nó khịt khịt như gà lôi kêu. Biết là gặp tay địch thủ đáng gờm, tui đứng chân chữ đinh, cầm phân hai cây mác, nhử nhử. Con nọc chiếc tưởng tôi đâm thiệt nên hất mõm qua bên. Tui lẹ làng thu lại, đâm một nhát chí tử vào nách nó. Coi như con nít chơi, con nọc chiếc liền hất trở lại một cái trông nhẹ hều làm cán mác của tui gãy làm hai. Tui chới với suýt cắm đầu, tay chỉ còn cầm khúc cán mác, đứng xơ rơ. Thấy chủ sắp lâm nguy, con Nô nhảy vô, nhưng vừa nhập vào liền bị con nọc chiếc đánh cho một cái văng bắn ra, va vào một gốc cây tràm đánh ẳng một tiếng, quỳ xuống đẻ ra một bầy con. Tám con chó mới đẻ liền nhào tới cắn bốn cái giò heo. Con Nô tuy bị thương, nhưng lại nhảy vô chính diện. Chẳng ngờ nó lại bị con nọc chiếc đánh bồi thêm một cái nữa, làm cho sọ đầu bể làm tư. Nó nằm giãy tê tê. Thấy vậy, tui nhảy lại bứt nắm cỏ thuốc dây, dóc kiền cái đầu nó lại. Con chó ngồi dậy nghỉ một lúc cho đỡ mệt, rồi lại xáp trận nữa.
Lần này thì con nọc chiếc có mà chạy đường trời. Tám con chó con cắn bốn cái giò căng ra, con Nô táp dính cái đuôi kéo nhủng nhẳng, còn tui thì xách khúc cán mác còn lại nhắm ngay đầu nó bổ xuống. Quần nhau một hồi, con nọc chiếc mệt lả, há họng thở dốc. Nhanh như chớp, tui thọc cho nó một cán mác vô họng thấu tuốt ra sau đít. Lũ chó con còn sung sức nên sủa gâu gâu. Con Nô, tuy cái đầu mới bể được ràng lại, chưa ăn khớp hoàn toàn nhưng cũng cất tiếng sủa trợ chiến cho lũ con "cạch, cạch... cạch cạch..."
Căn bệnh da cổ của tui
Coi vậy chớ da cổ tui không phải là lang beng hay trổ đồi mồi gì đâu nghe!
Số là hồi đó, đất U Minh này còn cao, về mùa mưa, nước rừng đổ ra cuồn cuộn, màu đỏ thẫm như nước trà. Các kinh rạch nhỏ uốn éo tuôn nước ra sông Ông Đốc. Sông Ông Đốc đổ ra biển.
Thủa ấy, hai bên bờ sông Ông Đốc là rừng dừa nước ken nhau chạy một mạch tới gần mé biển, rồi như giật mình dừng lại chới với... Con sông có chỗ rộng tới ba trăm mét. Đã nói con sông nước chảy mạnh như một con rắn nằm đập đuôi, nên ban đêm nhìn vào đầu cọc cừ nào cũng thấy chất lân tinh ánh lên tưng bừng sáng lòa. Con nước ròng xuống, những hàng cột đáy bị gió rung lên kêu o... o... Xuồng đi đường có dịp thả xuôi nước, qua ngang những ruộng đáy nghe đánh vèo một cái mà phát chóng mặt.
Lần đó, tui cùng dượng Tư nó chèo chiếc ghe cà dom đi chợ Cà Mau mua ít xi mang về xài. Lỡ con nước, tụi tui phải về nước ròng đêm. Tui ở phía sau kềm lái, thả theo chiều nước xuôi băng băng. Đêm tối đen như mực, tui cứ nghểnh cổ nhìn theo làn sáng sáng trên trời mà lái theo đó.
Ghe đang lao tới vun vút, tui bỗng nghe dượng Tư nó ngồi trước la: "Coi chừng gạt!" . Tức thì tai tui nghe cái "vèo", thân thể nhẹ bỗng, ghe lủi tuốt lên mé bờ. Dượng Tư nó la bài hãi, tui tức quá, trả lời:
- Tui không còn thấy đường nữa, sợi dây kẽm chằng cột đáy gạt văng cái đầu tui mất rồi.
Tui nghe tiếng nói mình phát ra chỗ cần cổ chớ không phải chỗ cửa miệng. Nghe vậy, dượng Tư nó lật đật chạy lại mò cái đầu tháp lại cho tui, rồi ổng lấy hồ xi măng trét trét quanh cổ. Vì đêm hôm lụp chụp, với nữa không có cái bay nên ổng tô xi măng không láng được, đến bây giờ da cổ tui sần sượng vậy đó. Ai không tin làm thử coi thì biết.