Phê đơn xin li dị
06-09-2018
Hai vợ chồng nhà nọ xích mích với nhau đã lâu. Thấy khó lòng chung sống, chị vợ vác đơn lên quan huyện xin li dị để lấy chồng khác. Xem đơn, quan thấy việc xin li dị của chị vợ này không chính đáng, hơn nữa thấy chị ta cũng chẳng có lễ lạt gì, nên quan liền phê một câu vào đơn bằng chữ Hán "Phố hồi cải giá bất đắc phu cựu", nghĩa là "Cho về lấy chồng không được, cứ chồng cũ".
Chị ta không hiểu gì, vội mang đơn về nhờ thầy đồ trong xóm giảng hộ. Xem qua lời phê, thầy đồ biết ý quan huyện, song muốn nhân dịp này vạch cái dốt mà sính chữ của quan cho thiên hạ thấy. Ông bảo chị kia:
– Thế là chị toại nguyện rồi đấy nhé. Lời quan phê, rành rành ra đây này.
"Phó hồi cải giá" nghĩa là cho về lấy chồng khác", còn "bất đắc phu cựu" nghĩa là "không được trở về với chồng cũ".
Ðược lời như cởi tấm lòng, chị kia lấy chồng ngay. Tự nhiên mất vợ, người chồng cũ phát đơn lên tỉnh kiện về việc quan huyện vô cớ phê chuẩn cho vợ mình đi lấy chồng khác. Bị quan trên quở trách là không nắm vững luật lệ, là ngu xuẩn, quan huyện tắc họng không dám cãi nửa lời. Ra khỏi tỉnh đường, quan huyện chửi đổng:
– Cha cái lão thầy đồ nào đã bày cho nó cách ngắt câu!
Từ đó quan cạch đến già không dám phê đơn bằng chữ Hán nữa.
Mít nác gì
Một bác nọ ra tỉnh chơi. Trưa về, gặp thầy học của con mình, bác ta khẩn khoản mời thầy về nhà, để thết thầy một bữa. Bác ra sai bắt gà làm thịt rồi làm các món nhắm khác.
Bụng thầy đói meo, mà chủ nhà vẫn từ từ chuẩn bị bữa ăn cho thật tươm tất.
Bụng thầy càng cồn cào. Nhìn thấy quả mít trong gầm gường, miệng thầy thèm lắm. Chờ mãi, không thầy chủ nhà bưng mâm lên, thầy nói:
– Thôi bác ạ, phiền phức quá, bác để tôi về.
Chủ nhà sai con:
– Có nác mới (nước chè xanh mới nấu), lấy ấm rót, mời thầy uống con.
Cốt ý của gia chủ là muốn cầm chân thầy lại. Song thầy:
– Mít nác gì, để tôi về thôi bác ạ!
Lúc đó, bác ta mới nhớ là nhà mình có quả mít chín để ở gầm giường, liền sai con:
– À quên, lấy quả mít, bố mời thầy xơi đã con!
Hai kiểu áo
Một ông quan lớn đến hiệu thợ may may một cái áo thật sang để tiếp khách. Biết quan xưa nay nổi tiếng luồn cúi quan trên, hách dịch với dân, người thợ may hỏi:
– Xin quan lớn cho biết ngài may chiếc áo này để tiếp ai ạ?
Quan chạm lòng tự ái, cau mày lại:
– Nhà ngươi muốn biết như thế để làm gì?
Người thợ may liền đáp:
– Thưa ngài, con hỏi để may cho vừa. Nếu ngài mặc hầu quan trên thì vạt đằng trước phải may ngắn đi dăm tấc, còn nếu ngài mặc để tiếp dân đen, thì vạt đằng sau phải may ngắn lại.
Quan ngẫm nghĩ một hồi, gật gù cho là chí lý, truyền:
– Thế thì nhà ngươi may cho ta cả hai kiểu.
Đánh thế còn nhẹ
Có một anh nông dân về nhà ăn cơm trưa, thấy món rau xào hôm nay rất ngon, liền hỏi vợ:
– Rau xào hôm nay sao ngon thế?
Vợ đắc ý khoe:
– Hôm nay có hai người mua chung một miếng mỡ lợn, trên đường đi qua nhà mình đã mượn dao để chia, em đã rửa con dao dính mỡ lợn vào chảo, nên rau mới ngon như thế đấy!
Anh chồng nghe xong, tiện tay tát cho vợ một cái, mắng:
– Tại sao không rửa vào vại nước để mà ăn mấy ngày?
Vợ rất uất ức chạy sang bên cạnh mách tội của chồng với ông chú. Chú nghe xong quát tướng lên:
– Đánh thế hãy còn nhẹ, sao không rửa dao dưới ao, để chúng tao cũng được ăn?
Trước
Tiếp theo