Tệ là gì?
06-09-2018
Có một thầy đồ hay trách vặt. Mộ hôm đang buổi học, có người đến xin phép thầy cho một học trò được nghỉ dở buổi học vì ở nhà có giỗ. Thầy liền cho em học trò ấy về ngay. Suốt ngày hôm ấy ai mời thầy đi đâu thầy cũng không đi. Thầy cầm chắc rằng, hôm nay sẽ được một bữa chén no nê, sao gia đình em học trò ấy lại không mời mình được!
Quái! Chờ đã hết ngày cũng không thấy ai đến mời. Tối đến ngoài trời mưa tầm tã, trong nhà thầy vẫn chong đèn, ngồi ngóng tin mời. Trời càng khuya, gió thổi càng lạnh, đợi mãi không thấy, thầy đồ phải tắt đèn đi ngủ. Tuy vậy, thầy vẫn không dám ngủ. Song đôi mắt của thầy đâu có theo ý muốn của thấy. Nó cứ ríu dần, ríu dần, thầy đồ đã ngủ mơ. Chợt có tiếng động rèm, thầy đồ giật mình thột dậy. Trong bụng tưởng như có cờ phất, thầy liền hỏi:
– Sao đến khuya thế con? Khuya thế?…
Mãi không có tiếng đáp lại. Thầy đồ thắp đèn lên xem, thì chẳng thấy ai cả, chỉ thầy một con chó lông ướt mẹp đang đứng cạnh rèm, cái đuôi ngoắt ngoắt, đôi mắt lấm lét nhìn chủ.
Thầy đồ bực quá, bụng bảo dạ: "Sáng mai phải cho thằng này bài học mới được! Ðồ tệ!".
Sáng hôm sau, lớp học vẫn tiến hành như thường lệ, học trò đến lớp đông đủ. Ðang buổi học nghĩa, em học trò nọ giở sách ra, chỉ vào chữ thứ nhất của hàng đầu, bài thầy mới viết, hỏi thầy:
– Thưa thầy chữ gì đây?
– Chữ "tệ".
Thầy cắt nghĩa luôn: "tệ là tệ". Em học trò không hiểu ý thầy nên vẫn điềm nhiên học: "tệ là tệ", "tệ là tệ". Hỏi sang chữ thứ hai, thầy vẫn bảo đó là "tệ" và cũng cắt nghĩa "tệ là tệ". Chữ thứ ba, thứ tư, thứ năm, thầy cũng bảo như vậy. Sang chữ thứ sáu, vừa nghe thầy nói đó cũng là chữ "tệ" xong, em học sinh ngơ ngác hỏi:
– Thưa thầy, tệ cả hàng phải không ạ?
Với giọng như ngậm roi trong miệng, thầy đáp:
– Phải, nhà mày tệ cả họ chứ không chỉ cả hàng đâu!!!
Đố nhau
Mấy anh đố nhau. Anh thứ nhất nói:
– Càng đắp càng bé là gì?
Mọi người nghĩ mãi, rồi đành chịu. Anh này tự trả lời:
– Người ta đào ao, lấy đất đắp vào bờ bên trong. Càng đắp thì cái ao càng bé lại.
Anh thứ hai đố:
– Càng kéo càng ngắn là gì?
Mọi người cũng chịu cả. Anh ta giải thích:
– Là điếu thuốc lá. Cứ kéo một hơi là nó lại ngắn đi một chút.
Anh thứ ba hỏi:
– Thế càng vặn càng vẹo là gì?
Mọi người càng chịu, cho là anh ta chơi chữ. Anh này cười bảo:
– Đâu mà chơi chữ! Chỉ là hai người cùng giặt một cái chăn. Đến lúc vắt nước, mỗi người cầm một đầu chăn bằng hai tay thật chặt, vặn xoắn vào. Được một lúc thì cả hai đều vẹo mình đi, mỗi người về một phía.
Đến lượt anh thứ tư, anh này lửng khửng bảo:
– Càng to càng bé là gì?
Mọi người cười bò ra, phán đoán đủ kiểu. Anh ta chỉ lắc đầu, mãi sau mới nói:
– Con cua nó có hai càng. Một càng to, một càng bé.
Cọp xay lúa
Bác Ba Phi trai tài, bác Ba Phi gái cũng giỏi. Một đêm cọp mò về làng bắt heo và chó. Bác Ba Phi gái đem thóc đổ ra cối để xay. Bác trai gọi bác gái vào nhà có việc. Mấy con chó lẩn quẩn đứng chung quanh cối. Có một con cọp không rõ đứng rình từ bao giờ, thấy bác gái vừa đi khỏi, liền nhảy vô nhà bắt chó. Hai cái chân trước của cọp vồ trúng ngay giàng xay. Cọp gỡ mãi không ra, cứ kéo lui, kéo tới, kéo hoài. Cối gạo vừa đổ một loáng đã xay hết. Bác Ba Phi gái lại mang thúng thóc khác đổ vào cối cho cọp xay. Cọp cứ phải xay hoài. Bác gái bắt nó xay hết 25 giạ lúa mới thả cho nó ra.
Thương vợ con quá
Làng nọ có một anh tham ăn tục uống. Hễ ngồi ăn cơm, ăn cỗ với ai thì thế nào anh ta cũng gắp miếng to, miếng ngon.
Một lần nhà nọ có giỗ, mời anh ta sang ăn cỗ. Biết tính anh ta, khi làm món mọc, nhà này nhét vào một cái mọc ba bốn quả ớt muỗi. Khách khứa đến đông đủ, khi bưng cỗ ra, anh ta được mời ngồi mâm có cái mọc to. Vừa cầm đũa, anh ta đã gắp ngay cái mọc ấy rồi bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Nào ngờ nhai phải mấy quả ớt cay quá, nước mắt nước mũi tuôn ra. Chủ nhà hỏi:
– Sao lại thế?
– Tôi được ăn ở đây mâm cao cỗ đầy, nhưng vợ con ở nhà chưa có cái gì bỏ vào bụng, nghĩ thương quá tôi khóc, nên nước mắt nước mũi trào ra đấy.
Trước
Tiếp theo