Mẹo trẩy kinh
03-02-2015 admin
Mùa đông năm ấy, Quỳnh có việc đi gặp người bà con đang sinh sống ở Thăng Long. Đường về kinh thì xa, cuốc bộ phải mất cả tuần, mà Quỳnh vẻn vẹn có một quan tiền giắt lưng. Mới ngày thứ ba túi đã hết nhẵn tiền, chiều xuống, trời âm u, lại điểm mưa lâm thâm, gió bấc. Đến đầu làng kia, bụng đói cồn cào, vừa may gặp một đứa bé mục đồng dắt trâu về xóm, Quỳnh mừng rỡ hỏi thăm lối vào nhà ấp trưởng.
Ấp trưởng làng này vừa giàu sụ, vừa nổi tiếng quỷ quyệt. Qua vài lời chuyện trò với người lỡ độ đường, hắn đoán thầm khách không phải là hạng tầm thường, bèn vồn vã mời nghỉ lại và sai giai nhân làm mâm cơm thịnh soạn để thết đãi. Nhưng mấy ngày liền, khách cứ đi đi lại lại, rồi đến bữa nằm dài đợi cơm rượu hỏi đến chức danh công vụ thì cứ ậm ậm ờ ờ. Chủ nhà sốt ruột, sinh nghi. Như thường lệ, tối hôm ấy ăn xong một lúc, Quỳnh cáo lui về phòng riêng giáp với phòng ngủ của chủ nhân. Được một chập, Quỳnh tắt đèn lên giường nằm. Biết ở phòng bên có người vẫn thức rình mò mọi hành vi của mình, lát sau Quỳnh vờ thức dậy rón rén thắp đèn, sau đó cẩn thận lần dưới vạt áo, lấy ra một bọc nho nhỏ bên trong có ba gói vuông, bản bằng nhau. Khách cầm bút long chấm chấm, mút mút đầu ngòi, hí hoái viết vào từng gói như để đánh dấu cho khỏi nhầm lẫn (thực ra chẳng viết gì cả), miệng lẩm nhẩm đọc, cố ý cho kẻ đang rình bên kia khe vách vừa đủ lắng nghe: Độc dược của nhà chúa… Độc dược của bà chính cung… Độc dược của thái tử. Làm như vậy, đoạn Quỳnh đem gói chung thành một bọc như cũ, giắt vào lưng áo. Xong rồi tắt đèn, lên giường nằm trở lại. Khi phòng bên này bắt đầu tiếng ngáy đều đều, thì phòng bên vọng sang tiếng động khe khẽ. Tên ấp trưởng bí mật mở chốt cửa ra ngoài, lẻn đến chuồng ngựa… Hộc tốc lao đi trong đêm.
Sáng hôm sau, mới hửng sáng, quan quân từ đâu ập tới nhà ấp trưởng đông nghịt, gươm giáo tua tủa vây kín mọi phía. Quỳnh mở mắt, chưa kịp búi tóc đã bị trói nghiền lại, quẵng lên một chiếc xe có bốn ngựa kéo, trẩy về kinh.
Trước phủ chúa, Quỳnh bị điệu ra xét xử với nhân chứng và vật chứng rành rành. Chúa đích thân tự tay mở tang vật. Té ra chẳng có gì ghê gớm! Chiếc bọc được gói kỹ lưỡng trong mấy lần mo cau, phủ ngoài bằng một vuông vải điều là chiếc bọc chứa ở bên trong mấy gói cơm khô nhỏ, Chúa lấy mũi hài đá té nắm cơm về phía Quỳnh, hất hàm tỏ vẻ khinh miệt:
– Ta tưởng thế nào… Tài giỏi như Trạng mà cũng ăn cả cái vứt đi này à?
– Khải chúa.
– Quỳnh đáp lại không chút ngần ngừ, nhà chúa thừa thãi mới gọi đó là của vứt đi. Còn thần dân bên dưới đâu dám phung phí một hạt, họ gọi cơm gạo là ngọc thực.
Nói rồi, Quỳnh trân trọng nhặt lấy mấy hạt cơm khô bỏ vào mồm nhai rào rạo. Chúa biết mình lở lời, đỏ bừng mặt, lại thêm một phen mắc lỡm, tức lộn ruột. Không có cớ gì buộc tội Quỳnh, chúa truyền nọc tên ấp trưởng ra, bắt lính đánh ba chục trượng vì tội nói láo và báo sai.
Trước cảnh tượng ấy, Trạng chỉ biết mỉm cười. Mặc dầu đã được tha bổng, trước khi bái biệt bề trên, Quỳnh vẫn không quên giễu chúa bằng những câu khéo:
– Xin chúa rộng lượng tha thứ cho ấp trưởng. Và cho thần được cảm ơn hắn cùng quan quân triều đình.
Ông nọ bà kia
Làng của Quỳnh có hai thôn, trong những thôn ấy có lắm kẻ giầu có nhưng biếng nhác, cậy thần cậy thế nên chẳng ai dám động tới chúng. Bọn này quanh năm suốt tháng chỉ biết hết đàn đúm rượu chè rồi lại cờ bạc ăn chơi. Ðã thế, chúng lại hiếu danh, thường nhờ cậy hoặc nịnh nọt người có quyền thế giúp cho chúng chút phẩm hàm để trở nên ông nọ bà kia mà vênh váo với đời.
Một hôm, Quỳnh ở kinh đô về thăm nhà, nghe kể về bọn ấy, liền sai gia nhân gọi bọn vô công dồi nghề đó đến, bảo:
- Ta đang có thời cơ giúp được các ông trở thành ông nọ bà kia đấy. Nếu muốn thì mau mau về thu xếp chập tối lại đây cùng ta đánh chén rồi sáng mai cùng chẩy kinh luôn thể.
Cả bọn mừng quýnh, lậy lấy lậy để rồi ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Chúng cứ tưởng rằng mình như đã là "ông nọ bà kia" rồ nên vừa bước chân vào nhà, có kẻ đã la toáng với vợ:
- Còn đứng đó nhìn cái gì hả? Có mau vào thu xếp đồ đạc cho tôi đi hầu quan trên không nào!
Mấy mụ vợ biết chuyện, cũng thấy sướng rơn trong bụng y như thể đã là các bà lớn rồi vậy. Vội vàng xếp khăn áo cho các ông lên đường vào kinh đô mà chộp lấy cái thời cơ bằng vàng này!
Chỉ một lúc sau, bọn chúng đã tề tựu tại nhà Quỳnh với đầy đủ khăn gói, hành trang. Chẳng ai bảo ai, cả bọn giành phần nhau nấu nướng bầy tiệc. Ðến khi trời vừa tối thì mâm bàn cũng xong. Ôi thôi, biết bao là món ngon vật lạ bầy đầy bàn, mâm nào mâm nấy ú ụ. Sau đó cả bọn ngồi vào đánh chén, rượu rót tràn lan, tất cả đều vui mừng phấn chấn vì sắp trở nên ông nọ bà kia. Ðến gần khuya thì cả bọn say khướt, có tên say mềm nhũn cả người ra, nằm la liệt như chết rồi, lúc ấy, Quỳnh bèn sai gia nhân cõng tên nọ về nhà tên kia. Trời tối om om, chập chà chập choạng, các bà vợ không để ý gì cả, luôn mồm mắng nhiếc anh chàng say mà cứ tưởng là chồng mình "sướng đời chưa!", rồi ôm thốc vào buồng mà lục đục cả đêm!
Sáng hôm sau thì thật là toá hoả! Cả bọn đều té ngửa và ôm đầu kêu trời, nhất là mấy bà thì thiếu điều đào đất mà chui xuống cho đỡ xấu hổ.
Việc đến tai Quỳnh ,Quỳnh cười bảo:
- Thì tôi đã giúp cho thành "Ông nọ, bà kia," rồi còn gì nữa.
Suýt Chết Vì Quả Đào
Quỳnh cậy tài, đùa cả với chúa, không từ ai. Một hôm, lúc túc trực trong cung, có người đem đâng vua một mâm đào, gọi là "đào trường thọ", Quỳnh thủng thỉnh lại gần, lấy một quả, ngồi ăn, giữa đông đủ mặt vua quan, mà làm như không trông thấy ai cả.
Vua quở, giao xuống cho các quan nghi tội. Các quan chiếu theo luật "mạn quân" tâu nghị trảm. Quỳnh quỳ xuống tâu rẳng:
- Đinh thần nghị tội hạ thần như vậy, thạt là đúng luật, không oan, song xin Hoàng thượng rộng dung cho hạ thần được nói vài lời rồi chết cho thỏa!
Vua phán:
- Ừ, muốn nói gì cho nói!
- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần có bụng tham sinh, sợ số chết non, thấy quả gọi là quả "trường thọ" thèm quá tưởng ăn vào được sống lâu như Bánh Tổ, để được thờ nhà vua cho tận trung. Không ngờ nuốt chưa khỏi mồm mà chết đã đến cổ! Hạ thần trộm nghĩ nên đề tên quả ấy là quả "đoản thọ" thì phải hơn, và xin nhà vua trị tội đứa dâng đào đẻ trừ kẻ xu nịnh.
Vua nghe Quỳnh tâu phải, bật cười tha tội cho.
Câu đố
Một hôm, nhà có giỗ, làm thịt lợn mời khách khứa đông lắm. Thấy Quỳnh hay nghịch, ai cũng chòng ghẹo chơi.
Đương lúc Quỳnh xem làm thịt lợn, có một ông Tú tên lá Cát thường tự phụ hay chữ chạy đến béo tai, bảo:
- Tao ra một câu đối, đối được tao tha cho:
- Lợn cấn ăn cám tốn (1)
Quỳnh đối ngay:
- Chó khôn chớ cắn càn (2)
Ông Tú lại ra một câu nữa, câu này có ý tự phụ mình là ông Tú:
- Trời sinh ông Tú Cát (3)
Quỳnh lại đối:
- Đất nứt con bọ hung
Ông Tú phải lỡm, tịt mắt. Mọt người cười ầm cả lên.
(1) Cấn là quẻ cấn, Tốn là quẻ tốn trong bát quái . Đây lấy nghĩa lợn cấn (chửa) mà ăn tốn cám.
(2) Khôn là quẻ khôn, Càn là quẻ càn cũng trong bát quái, đây lấy nghĩa con chó khôn chớ cắn càn, cắn bậy .
(3) Cát còn có nghĩa là tốt; hung còn có nghĩa là xấu.