Ngọa sơn
07-02-2015 admin
Một buổi trưa nọ, Quỳnh nghĩ được bài thơ hay, định vào nội phủ đọc cho Chúa nghe chơi. Ðến nơi thì thấy im lìm, biết Chúa vắng nhà, Quỳnh liền tạt sang đinh Bà Chính cung. Tên quan thị canh cửa nháy mắt cho Quỳnh biết là Chúa đang ngon giấc, Quỳnh cụt hứng lui gót. Trên đường về, qua lối cũ, sẵn bút mực, Quỳnh đề lên vách phủ hai chữ "Ngọa Sơn".
Khi Chúa gọi vào hỏi, Quỳnh nói như thật:
- Khải Chúa, nhà thần chật chội, những cơn nóng bức, thần phải bỏ nhà lên núi nằm hóng mát, "Ngọa Sơn" nghĩa là nằm ở trên núi, có thế thôi ạ ! Tiện tay, thần viết chơi, chẳng có gì để Chúa bận tâm cả.
Rồi Quỳnh nói lảng sang chuyện khác như đọc thơ, bình văn làm Chúa quên đi. ít lâu sau, Chúa và bà Chính Cung đi tuần thăm cảnh phố phường, qua nhiều nơi thấy hai chữ "Ngọa Sơn" xuất hiện la liệt trên các vách tường, cửa nhà...Bà Chính Cung không hiểu dân chúng viết hai chữ đó có ý nghĩa gì, liền quay sang hỏi Chúa, Chúa truyền gọi một người đến hỏi nguyên cớ. Người kia run lẩy bẩy, thưa:
- Chúng con là kẻ hèn mọn dốt nát, đâu dám sinh chữ. Việc này chẳng qua chỉ tại Trạng Quỳnh đấy ạ !
Bà Chính Cung dỗ ngọt:
- Trạng Quỳnh bảo các ngươi thế nào? Cứ tâu thật, ta sẽ xin Chúa tha tội cho.
- Tâu lệnh bà ! Trạng Quỳnh có lần vào nội phủ, về mách với chúng con là Chúa đang bận "Ngọa Sơn", rồi giải thích rằng: ngọa là nằm, nằm lâu thì phải ngủ, ngủ thì phải ngáy. Sơn là núi, mà núi thì phải có đèo. "Ngáy Ðèo" nói lái lại thì..., con không dám nói ra đâu. Không ngờ bọn trẻ con nghe lỏm được lời Trạng, buồn tay viết bậy bạ lung tung. Xin lệnh bà tha cho con!
Hiểu rõ đầu têu câu chuyện này là Quỳnh, có làm lớn chuyện ra chỉ tổ thêm xấu mặt mà thôi, bà Chính Cung đành giục Chúa mau mau lên kiệu, lặng lẽ trở về Phủ cho nhanh.
Quan thị và quan võ hỗn chiến
Quỳnh biết bọn quan thị và quan võ trước giờ không ưa nhau, bèn nghĩ cách cho chúng tỉ võ với nhau một bữa, đồng thời để xem cái dốt nát của chúng đến mức nào.
Một hôm, Quỳnh đến nhà viên quan hoạn giữ chức giám ban, đọc cho nghe một câu đối như sau:
"Thị vào chầu, thị đứng, thị trông, thị muốn ấy, thị không có gậy."
Trạng giải thích cho hắn hiểu chữ "thị" đây có nhiều nghĩa, gồm cả hầu, trông ấy, cậy...rồi nói kháy:
- Kẻ nào đật câu đối này là có ý dụng ngữ để ám chỉ các quan thị như ngài. Ðiều đó minh bạch lắm, ai đọc cũng có thể hiểu được.
Tên giám ban nghe thế thì máu nóng bốc lên tới đầu, không kịp suy tính gì cả, hỏi ngay:
- Ðồ chó má! Trạng có biết thằng nào dám chơi trò hỗn xược như thế không?
Quỳnh bảo:
- Chính xác thì tôi không biết, nhưng tôi đọc được câu đối ấy bên dinh quan để đốc.
Mày này, tôi nói cho ngài biết vậy thôi, xin chớ có hé môi, ông ta biết thì khổ lây đến tôi đấy nhé!
Quỳnh nói xong thì kiếu ra về rồi đi ngay đến nhà quan đề đốc. Gặp quan, Quỳnh khoe rằng vừa đọc được một câu đối hay ở dinh quan giám ban.
Quan đề đốc bảo Quỳnh đọc cho ông ta nghe. Quỳnh nhăn mặt, lắc đầu nguây nguẩy:
- Câu đối hay nhưng độc địa lắm, chỉ có những tay cự phách mới có thể ra từ thâm như vậy. Hơn nữa, hình như có kẻ muốn ám chỉ ngài hay sao ấy, chẳng hiểu sao họ lại thù ngài đến thế nhỉ. Quan võ dù sao cũng đắc lực hơn chứ, không có võ thì văn sống sao nổi, thế mà lại tìm cách chơi khăm ngài...!
Quan võ mặt đỏ bừng lên như gà cắt tiết, nghiến răng trèo trẹo, bảo Quỳnh:
- Ông cứ đọc cho tôi nghe. Tôi xem là thằng nào... mà cho nó một trận nên thân mới được!
Quỳnh giả vờ gãi đầu gãi tai nhớ lại rồi đọc:
-Vũ ỷ mạnh, vũ ra vũ má, vũ bị mưa, vũ bện xoắn lông!
Ðã thế, đọc xong, Quỳnh lại còn ra vẻ xuýt xoa thán phục:
- Chữ vũ tai ác thật. Một từ mà đồng âm, diễn được bốn, năm nghĩa: mạnh, múa, mưa, lông... Thế thì có thánh hoá mới đối lại được!
Từ hôm đó trở đi, quan đề đốc và quan giám ban kình nhau ra mặt. Cho đến một hôm, Quỳnh nghe đám gia nhân kháo nhau: hai nhà quan kia kéo "quân" hỗn chiến một trận kịch liệt. Xong trận, cả hai đều tơi tả.
Riêng Quỳnh thì biết rõ: cái đám quan văn võ ăn trên ngồi trốc ấy đúng là một bọn vô lại dốt nát. Hai phe đánh nhau vỡ đầu, sứt trán nhưng đâu biết rằng chúng đã bị chính Quỳnh đánh vậy!
Chửi cha thằng Bảo Thái
Quỳnh vốn thích đùa, lại thêm trong bụng không ưa nhà vua là kẻ hay nghe lời gièm nịnh của đàm ô quan trong triều. Một hôm bèn nghĩ cách cho nhà vua một vố.
Sáng sớm hôm ấy, Quỳnh bảo gia nhân ra chợ nói với các nhà hàng thịt rằng có sứ Tàu sang chơi, triều đình chuẩn bị làm tiệc rất to để khoản đãi nên nhà vua sai mình ra chợ dặn các hàng thịt không được bán cho ai nữa.
Tất cả thịt ở chợ - heo, bò, gà, chó... cứ việc đem mà sắt vụn ra sẵn, đến trưa sẽ có người ra lấy hết.
Các chủ hàng thịt hí hửng, tưởng là được một mẻ khá, thi nhau thái thịt vụn ra rồi ngồi chờ. Nhưng chờ mãi cho đến trưa cũng chả thấy ai, cho tới khi trời đã xế chiều vẫn chẳng thấy ma nào ra lấy thịt. Có kẻ tức quá bèn tìm đến tận nhà Quỳnh mà hỏi cho ra lẽ. Quỳnh nói với họ:
- Chắc là ai muốn chơi sỏ tôi, làm hại các bác đấy thôi chứ có tiệc tùng gì đâu nào? Ðã thế, các bác cứ việc lôi những ai "Bảo thái" ra mà chửi cho đỡ tức!
Các chủ hàng thịt không biết tên kẻ đã bảo họ thái thịt, đành nén hơi gào lên chửi. Anh nọ bảo chị kia:
- Chửi đi! Kéo cả mồ mả nhà nó kên mà chửi. Cha nó chứ! Cái thằng "Bảo Thái"!
Đón sứ tàu
Triều đình chuẩn bị đón sứ nhà Thanh sang nước ta. Chúa nghe nói tên này là kẻ hống hách, hợm hĩnh, bèn kêu Quỳnh vào, giao cho giữ việc nghênh tiếp.
Quỳnh phụng mạng vua, đồng thời xin triệu thêm bà Ðoàn Thị Ðiểm giả làm người bán hàng nước cho khách qua đường, còn mình giả trang làm anh lái đò đưa sứ bộ qua sông.
Khách Tàu đến, đi ngang quán bà Ðiểm, thấy trong hàng có một cô gái xinh xắn ngồi bán, liền hùa nhau kéo vào uống nước, sẵn có buông lời chọc ghẹo, bỡn cợt. Một tên líu lo đọc bâng quơ:
"Nam bang nhất thốn thổ bất tri nhân canh"
(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày, ý cho rằng đàn bà nước Nam lẳng lơ)
Bà Ðiểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi, đọc:
"Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất"
(Bọn quan quyền phương Bắc đều từ chỗ đó mà ra cả )
Nghe xong câu ấy, cả bọn ngừng uống nước, tròn mắt, há hốc miệng nhìn bà Ðiểm.
Chúng không thể ngờ rằng một bà bán nước bên đường lại có sức học kinh người đến thế !
Khách ra đi, xuống đò của Quỳnh. Khi đò đến giữa sông, một tên trong nhóm sứ Tàu nhột bụng, vãi rắm nghe một tiếng "bủm". Không thấy xấu hổ thì thôi, hắn còn đọc một câu chữa thẹn xấc xược:
Lôi động Nam bang (Sấm động nước Nam)
Quỳnh đang cầm chèo, liền đứng cậy vạch quần đái vòng cầu qua đầu sứ, vừa đái vừa đọc:
Vũ qua Bắc hải (Mưa qua bể Bắc)
Tên sứ Tàu giận điên tiết, xộc lại định đánh Quỳnh, Quỳnh trở cán chèo thủ thế rồi mắng:
"Tiền phát lôi, hậu phát vũ, thiên địa chi lý nại hỉ "
(Sấm động trước, ắt sau sẽ có mưa, luật trời đất là thế )
Cả bọn khách Tàu sửng sốt nhìn nhau, không thốt được một lời vì câu đối đáp bắt bí quá đúng của anh lái đò. Cả nhóm trong bụng vừa tức, vừa sợ, cứ ngậm miệng cho đến nơi.