Vui Một Chút

Cười là vui, vui càng phải cười.

Trước Tiếp theo

07-02-2015

Ở vùng Quỳnh dạy học có một lão trọc phú rất dốt nhưng lại thích nói chữ. Thỉnh thoảng, lão lò mò sang nhà Quỳnh mượn sách, bảo là về đọc, nhưng Quỳnh biết hắn chỉ đem cất vào xó. Một lần, thấy hắn lấp ló ngoài cổng, quỳnh vội vác ngay chiếc chõng tre ra sân, cởi áo nằm phơi bụng. Lão trọc phú bước vào, thấy lạ, liền hỏi:

- Thầy cống làm gì thế ?

Quỳnh đáp :

- à, có gì đâu ! Hôm nay trời nắng, tôi đem sách ra phơi cho khỏi mốc !

- Thế sách ở đâu ?

Quỳnh chỉ vào bụng :

- Sách ở trong này này !

Biết mình bị đuổi khéo, tên trọc phú lủi thủi ra về, trong lòng tức lắm.
Lần khác, hắn cho người sang mời Quỳnh đến nhà, để rửa mối nhục cũ, hắn cũng bắt chước, cởi trần trùng trục rồi nằm phơi bụng ra giữa nắng mà đợi khách. Quỳnh vừa bước vào, hắn cất giọng nhái:

- Hôm nay trời nắng, tôi đem sách ra phơi cho khỏi mốc.

Bỗng Quỳnh cười toáng lên, lấy tay sờ vào thân mình hắn, nói:

- Láo toét ! Bụng ông thì làm quái gì có sách mà phơi chứ !

Lão trọc phú trố mắtkinh ngạc :

- Sao thầy biết ?

Quỳnh cuối xuống vỗ nhẹ vào cái bụng đầy mỡ núc ních nói :

- Ông nghe chứ, bụng ông nó đang kêu "bộp, bộp "đây này ! Cơm, gà, cá, lợn... toàn những thứ khó tiêu đầy cả ruột thế này thì còn chỗ đâu mà chứa sách cơ chứ ! Thôi, ngồi dậy mà mặc áo vào nhà đi thôi !

Lão trọc phú cứng họng, không còn biết đối đáp như thế nào, bèn lồm cồm ngồi dậy, vào nhà một cách miễn cưỡn.

Quỳnh nghe nói cách nơi mình dạy học một vài dặm có một tượng đá rất thiêng, bèn hỏi học trò:

- Pho tượng ấy mang tên vị thần nào mà dân chúng ai cũng sợ như thế?

Anh học trò thưa:

- Trình thầy, không thần phật nào cả. Ðấy là pho tượng một người đàn bà ở truồng, người ta gọi là tượng "Bà Banh"

- Tượng ấy hình thù như thế nào? Anh học trò có vẻ xấu hổ, nói:

- Pho tượng ấy trông kỳ cục lắm thầy ạ! Ðầu nghiêng về một phía, miệng cười tủm tỉm, Cổ quấn mấy vòng chuỗi hạt, chân đi giầy bắt chéo, còn hai tay chỉ vào "chỗ ấy" bên cạnh tượng có đặt một chiếc chày đá.

Quỳnh bực mình hỏi:

- Sao không đập vỡ quách đi cho rồi? Ðể cái của nợ ấy đứng trêu ngươi làm gì?

- Thưa, "Bà Banh" dữ vía lắm ạ! Ai đi qua đấy, muốn yên lành thì phải lặng lẽ đến cầm chiếc chầy đá, đâm vào bộ phận kia một cái, mà phải làm việc đó rất kính cẩn. Những ai không làm hoặc chọc ghẹo tượng thì khi về đến nhà thế nào cũng bị méo miệng, trẹo tay, vẹo cổ...

Một hôm, Quỳnh đến tận nơi có tượng Bà Banh để xem thực hư. Quỳnh đến bên tượng, lấy chầy đá quẳng đi, đoạn cầm bút đề tám câu thơ lên bụng tượng:

Khéo đứng ru mà đứng mãi đây

Khen ai đẽo đá tạc nên mày

Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt

Dưới chân đứng chéo một đôi giầy

Cởi váy phất cờ trêu ghẹo tiểu

Ðể đồ bốc gạo thử thanh thầy

Có thiêng sao chẳng ngồi toà ngọc?

Khéo đứng ru mà đứng mãi đấy!

Bài thơ Quỳnh viết xong chưa ráo mực, mồ hôi tượng đá đã vã ra như tắm. Từ đấy, không còn ai nghe nói rằng "Ba Banh" thiêng nữa.

Một buổi trưa nọ, Quỳnh nghĩ được bài thơ hay, định vào nội phủ đọc cho Chúa nghe chơi. Ðến nơi thì thấy im lìm, biết Chúa vắng nhà, Quỳnh liền tạt sang đinh Bà Chính cung. Tên quan thị canh cửa nháy mắt cho Quỳnh biết là Chúa đang ngon giấc, Quỳnh cụt hứng lui gót. Trên đường về, qua lối cũ, sẵn bút mực, Quỳnh đề lên vách phủ hai chữ "Ngọa Sơn".

Khi Chúa gọi vào hỏi, Quỳnh nói như thật:

- Khải Chúa, nhà thần chật chội, những cơn nóng bức, thần phải bỏ nhà lên núi nằm hóng mát, "Ngọa Sơn" nghĩa là nằm ở trên núi, có thế thôi ạ ! Tiện tay, thần viết chơi, chẳng có gì để Chúa bận tâm cả.

Rồi Quỳnh nói lảng sang chuyện khác như đọc thơ, bình văn làm Chúa quên đi. ít lâu sau, Chúa và bà Chính Cung đi tuần thăm cảnh phố phường, qua nhiều nơi thấy hai chữ "Ngọa Sơn" xuất hiện la liệt trên các vách tường, cửa nhà...Bà Chính Cung không hiểu dân chúng viết hai chữ đó có ý nghĩa gì, liền quay sang hỏi Chúa, Chúa truyền gọi một người đến hỏi nguyên cớ. Người kia run lẩy bẩy, thưa:

- Chúng con là kẻ hèn mọn dốt nát, đâu dám sinh chữ. Việc này chẳng qua chỉ tại Trạng Quỳnh đấy ạ !

Bà Chính Cung dỗ ngọt:

- Trạng Quỳnh bảo các ngươi thế nào? Cứ tâu thật, ta sẽ xin Chúa tha tội cho.

- Tâu lệnh bà ! Trạng Quỳnh có lần vào nội phủ, về mách với chúng con là Chúa đang bận "Ngọa Sơn", rồi giải thích rằng: ngọa là nằm, nằm lâu thì phải ngủ, ngủ thì phải ngáy. Sơn là núi, mà núi thì phải có đèo. "Ngáy Ðèo" nói lái lại thì..., con không dám nói ra đâu. Không ngờ bọn trẻ con nghe lỏm được lời Trạng, buồn tay viết bậy bạ lung tung. Xin lệnh bà tha cho con!

Hiểu rõ đầu têu câu chuyện này là Quỳnh, có làm lớn chuyện ra chỉ tổ thêm xấu mặt mà thôi, bà Chính Cung đành giục Chúa mau mau lên kiệu, lặng lẽ trở về Phủ cho nhanh.

Quỳnh biết bọn quan thị và quan võ trước giờ không ưa nhau, bèn nghĩ cách cho chúng tỉ võ với nhau một bữa, đồng thời để xem cái dốt nát của chúng đến mức nào.

Một hôm, Quỳnh đến nhà viên quan hoạn giữ chức giám ban, đọc cho nghe một câu đối như sau:

"Thị vào chầu, thị đứng, thị trông, thị muốn ấy, thị không có gậy."

Trạng giải thích cho hắn hiểu chữ "thị" đây có nhiều nghĩa, gồm cả hầu, trông ấy, cậy...rồi nói kháy:

- Kẻ nào đật câu đối này là có ý dụng ngữ để ám chỉ các quan thị như ngài. Ðiều đó minh bạch lắm, ai đọc cũng có thể hiểu được.

Tên giám ban nghe thế thì máu nóng bốc lên tới đầu, không kịp suy tính gì cả, hỏi ngay:

- Ðồ chó má! Trạng có biết thằng nào dám chơi trò hỗn xược như thế không?

Quỳnh bảo:

- Chính xác thì tôi không biết, nhưng tôi đọc được câu đối ấy bên dinh quan để đốc.
Mày này, tôi nói cho ngài biết vậy thôi, xin chớ có hé môi, ông ta biết thì khổ lây đến tôi đấy nhé!

Quỳnh nói xong thì kiếu ra về rồi đi ngay đến nhà quan đề đốc. Gặp quan, Quỳnh khoe rằng vừa đọc được một câu đối hay ở dinh quan giám ban.

Quan đề đốc bảo Quỳnh đọc cho ông ta nghe. Quỳnh nhăn mặt, lắc đầu nguây nguẩy:

- Câu đối hay nhưng độc địa lắm, chỉ có những tay cự phách mới có thể ra từ thâm như vậy. Hơn nữa, hình như có kẻ muốn ám chỉ ngài hay sao ấy, chẳng hiểu sao họ lại thù ngài đến thế nhỉ. Quan võ dù sao cũng đắc lực hơn chứ, không có võ thì văn sống sao nổi, thế mà lại tìm cách chơi khăm ngài...!

Quan võ mặt đỏ bừng lên như gà cắt tiết, nghiến răng trèo trẹo, bảo Quỳnh:

- Ông cứ đọc cho tôi nghe. Tôi xem là thằng nào... mà cho nó một trận nên thân mới được!

Quỳnh giả vờ gãi đầu gãi tai nhớ lại rồi đọc:

-Vũ ỷ mạnh, vũ ra vũ má, vũ bị mưa, vũ bện xoắn lông!

Ðã thế, đọc xong, Quỳnh lại còn ra vẻ xuýt xoa thán phục:

- Chữ vũ tai ác thật. Một từ mà đồng âm, diễn được bốn, năm nghĩa: mạnh, múa, mưa, lông... Thế thì có thánh hoá mới đối lại được!

Từ hôm đó trở đi, quan đề đốc và quan giám ban kình nhau ra mặt. Cho đến một hôm, Quỳnh nghe đám gia nhân kháo nhau: hai nhà quan kia kéo "quân" hỗn chiến một trận kịch liệt. Xong trận, cả hai đều tơi tả.

Riêng Quỳnh thì biết rõ: cái đám quan văn võ ăn trên ngồi trốc ấy đúng là một bọn vô lại dốt nát. Hai phe đánh nhau vỡ đầu, sứt trán nhưng đâu biết rằng chúng đã bị chính Quỳnh đánh vậy!

Trước Tiếp theo

Các bài viết liên quan

1. Quyển sách quý (Tạo ngày: 1423280650)

2. Vụ kiện chôn sách (Tạo ngày: 1423281522)

3. Cắt giảm ngân sách (Tạo ngày: 1425696562)

4. Nói dóc có sách (Tạo ngày: 1425982932)

5. Vova ở sạch (Tạo ngày: 1426501483)

6. Khi thay chai rượu bằng cuốn sách (Tạo ngày: 1427173111)

7. Đặt tên cho sách về giun (Tạo ngày: 1446543516)

8. Xóa sạch (Tạo ngày: 1536229142)

9. Sách giáo khoa (Tạo ngày: 1536229142)

10. Ích lợi của sách (Tạo ngày: 1536229142)

Tất cả bình luận (0)

  • 500 ký tự
  • Capcha: