Vui Một Chút

Cười là vui, vui càng phải cười.

Trước Tiếp theo

06-09-2018

Đi qua một ngôi chùa thâm nghiêm, tĩnh lặng, thấy phong cảnh đẹp, Chung Nhi và hai người bạn rủ nhau vào vãn cảnh. Họ dạo quanh một lúc thì đã tối. Vừa khi trăng lên, nhà sư ra mời vào trai phòng uống trà. Ba người mừng lắm, nhận lời. Trai phòng sạch sẽ, phong quang, gió đưa mùi hương thơm ngát. Nhìn cảnh trăng soi đáy nước, liễu rủ phất phơ, thấp thoáng sen hồ, ba người tưởng như lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh. Nhà sư thấy khách vãn cảnh chùa ra dáng học trò đi thi, bèn đem giấy bút ra, xin ba thầy đề thơ làm kỷ niệm. Hai người bạn lĩnh giấy bút đề luôn hai bài thơ tức cảnh. Chung Nhi nghĩ bụng, không nhẽ mình cứ ngồi ỳ ra, e không tiện, liền cầm bút định viết bốn chữ tiếng lóng của lái lợn: "Thâm tinh lập lái", nghĩa là "Ba quan và mười hai quan". Nhưng vì không nhớ mặt chữ, nên chữ "lập" viết ra chữ "huyền", chữ "lái" viết ra chữ "lý". Thế là định viết "Thâm tinh lập lái" thì lại thành ra "Thâm tinh huyền lý", nghĩa là "Hiểu sâu lẽ nhiệm mầu". Nhà sư nhìn bốn chữ tuy nét bút không phải rồng bay phượng múa, nhưng ý nghĩa thật sâu sắc, tấm tắc khen mãi: – Văn từ hàm súc mà ý nghĩa lại rất hợp với cảnh chùa. Bần tăng lấy làm ái mộ lắm. Hai người bạn đồng hành cũng hết sức khâm phục và tôn đùa Chung Nhi là Trạng, còn Chung Nhi cũng nghiễm nhiên tự cho mình là Trạng thật. Hôm ấy nhà sư lưu ba thầy trò ở lại thết đãi trọng thể, tất nhiên là ăn chay. Ngâm vịnh thơ văn, luận bàn thi phú hết một đêm, Chung Nhi nhập tâm được nhiều lý lẽ cao siêu của nhà sư và hai bạn đồng hành. Sớm mai, ba người cáo từ lên đường, nhà sư đem oản chuối nhét đầy một tay nải, gọi là chút lễ mọn tiễn hành. Chắc cũng là bởi quá xúc động vì cái câu "Thâm tinh lập lái" viết sai mà thành "Hiểu sâu lẽ nhiệm mầu" ấy. Thật là "Thâm tinh huyền lý" vậy!
Buổi nọ, cả bọn đi qua một trang trại, tùng cúc tốt tươi, trúc mai sầm uất. Giữa cảnh ấy, Chung Nhi trông thấy một tiểu thư nhan sắc tuyệt vời đang cùng hai người thị tỳ hái hoa trong vườn. Chung Nhi ngắm nghía, mê mẩn tâm thần. Hiềm vì tường cao cổng kín, khó nỗi tìm vào. Đi một quãng, Chung Nhi bèn lập mẹo từ biệt hai người bạn kia, nói dối là phải vào thăm một người bà con ở gần đấy, nhân thể mời hai bạn cùng rẽ vào chơi. Hai người kia đương lo về thi cử, vội vàng từ chối: – Đường còn xa, nhật kỳ gần tới, quá vui lỡ bước, sau nữa làm sao. Thôi bác ở lại, chúng tôi đi trước. Lúc chia tay, Chung Nhi dặn: – Vậy thì xin mời nhị huynh trẩy kinh trước, mai kia đệ sẽ theo sau. Ngày hội ngộ hẳn cũng không xa. Trở lại nơi trang trại, Chung Nhi hỏi thăm mới hay trại đó là của quan trí sĩ họ Bùi. Bùi tướng công chỉ sinh được một gái, đặt tên là Phấn Khanh. Tiểu thư rất đoan trang, lại làu thông kinh sử và khéo léo trong mọi công việc tề gia, nên Bùi tướng công có ý kén rể hiền. Bữa ấy, tướng công đang ngủ trưa, chợt nằm mơ thấy có người gọi: “Tướng công dậy! Đón Trạng rể mới lại chơi vườn”. Tỉnh giấc, lấy làm kỳ dị lắm, nghĩ bụng: “Xưa nay ta có người rể nào là Trạng mà mơ lạ thế? Hay ta thử ra xem sao”. Đúng lúc Chung Nhi đang nghiêng nghiêng ghé mắt dòm vào chỗ tiểu thư và đám thị tỳ đang hái hoa, chợt tướng công chống gậy ra thăm vườn. Trông thấy người lạ, tướng công liền sai gia nhân ra gọi vào hỏi: – Thầy người đâu lại? Đứng đấy muốn hỏi gì? Chung Nhi luống cuống, toát mồ hôi, ấp úng trả lời: – Bẩm, tôi là học trò. Nhân trẩy kinh qua đây, thấy cảnh đẹp, trộm đứng ngoạn cảnh, có điều gì sơ suất, xin tướng công tha tội cho. Tướng công thấy Chung Nhi ăn nói nhún nhường, lại thấy mặt mũi khôi ngô, liền mời vào “Uyên ương đình” là nơi tướng công dựng lên để kén rể hiền, rồi sai dọn rượu thết đãi. Rượu ngà say, Chung Nhi nhìn “Uyên ương đình” thấy phong cảnh hữu tình, sực nhớ tới mấy bài thơ của hai người bạn đường làm khi vãn cảnh chùa, bèn rung đùi ngâm lên. Bùi tướng công nghe thơ hay, vui lắm, sai gọi tiểu thư lấy giấy hoa tiên chép lại để họa vần. Thật là một cuộc gặp gỡ kỳ thú, trăm năm mới có một lần. Giữa cảnh trăng trong gió mát, người đẹp hoa thơm, Chung Nhi cảm thấy hân hoan trong lòng dạ. Thế là tay nâng chén, miệng ngâm thơ, tuy chỉ là thơ nhập tâm của người khác, song cũng bội phần tâm đắc. Còn Phấn Khanh thì nâng bút họa lại, lời thơ cũng uyển chuyển, tỏ ra con nhà dòng dõi thi thư. Họa xong, tướng công ướm hỏi Chung Nhi: – Lão có tiện nữ đây, muốn cùng tuấn sĩ gá nghĩa sắt cầm, liệu có nên chăng, xin cho lão rõ? Chung Nhi khiêm tốn trả lời: – Kẻ hèn này được tướng công thương đến, đâu dám chối từ. Hiềm vì khoa thi sắp tới, xin tướng công cho hẹn đến ngày ra bảng. Nếu kẻ hèn này công thành danh toại, lúc đó sẽ trở về bái kiến tướng công, tưởng cũng không muộn. Tướng công vui vẻ gật đầu, càng phục Chung Nhi là người có chí, không vì nhi nữ thường tình mà quên nghiệp lớn. Phấn Khanh cũng từ tốn thưa rằng: – Dẫu năm chờ tháng đợi, thiếp mong chàng bẻ quế vinh quy, sẽ được nương nhờ dưới gối. Thật là: Một phen tri kỷ gặp người Ba sinh chắc có duyên trời chi đây.
Làng Thụy Chương xưa là một làng nổi tiếng về nấu rượu. Rượu ở đây thơm ngon đặc biệt. Mé trước làng ở ven hồ Tây có một ngôi chùa nhỏ. Thời Lê Trung Hưng, chùa đổ nát chỉ còn trơ một pho tượng tay chống gậy, xiêu vẹo, nghiêng ngả. Một hôm Quỳnh vào làng mua rượu, thấy pho tượng như vậy, mới làm mấy câu thơ đùa: Ông đứng chi mà đứng mãi đây? Dập dềnh như tỉnh lại như say, Vãi nào đã chuốc cho ông rượu? Còn có cho vay một nậm đầy? Tương truyền từ đó, dân làng ai cũng gọi tượng là “Phật say”.
Phía trước nhà Quỳnh là một cánh đồng sâu rộng vài chục mẫu. Thuở còn sống ở quê, hàng ngày muốn đi tắt sang làng bên hoặc vào lối xóm, Quỳnh phải vượt qua một chặng lầy tới mươi sải nước. Mùa mưa, mẹ con người kéo te bên hàng xóm có chiếc thúng nhỏ, thường chở giúp “ông Cống” qua chỗ lội, không lấy tiền. – Thấm thoát mười năm trôi qua. Khi đã ra làm quan ở kinh đô và tiếng Trạng đã vang danh khắp nơi, một lần về thăm quê Quỳnh gặp lại bà hàng xóm kéo te. Bà phàn nàn: – Ông Trạng ơi, tôi hiếm hoi chỉ có một đứa con trai. Cái thằng năm xưa vẫn chở thúng cho Ông qua chỗ lội ấy, nay sắp phải lo vợ cho nó mà một đồng một chữ không có. Tôi chẳng biết vay mượn ở đâu, ông có cách gì giúp mẹ con tôi với. – Tiếng tăm Trạng lừng lẫy thật, nhưng làm quan thanh liêm như ông, thời buổi ấy nuôi miệng cũng đã khó.Thương người mẹ nghèo hiếm hoi, nhưng biết tìm cách gì để bà ta có tiền cưới vợ cho con bây giờ? Bỗng Quỳnh hỏi bà hàng xóm: Này mẹ con nhà bác lâu nay vẫn còn chở thúng đấy chứ? – Thưa ông Trạng, không chở thì lấy gì mà ăn? Có điều khách ít lắm, ngày chỉ được mộ, hai chuyến góp vào tiền kéo te bán tép, may ra mới đủ đong gạo. – Quỳnh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: Thôi được, bác cứ về bỏ trầu xin cưới cho cháu đi. Tôi bấm độn đoán biết thế nào quãng đầu tháng sau mẹ con bác cũng kiếm được khoản tiền kha khá! – Bà hàng xóm buồn bã nghĩ ông Trạng nói cho vui câu chuyện. – Giữa cánh đồng nước sâu nổi lên một cồn đất cao. Mấy hôm nay người ta thấy trên đồn đất hiện lên một cái chòi lợp lá gồi hình tứ giác, nóc phất phới ngọn cờ xanh đuôi nheo. Chẳng rõ nguyên cớ từ đâu, người ta kháo nhau: Trạng Quỳnh ở kinh về thăm quê dựng lều thơ trên gò giữa đồng nước để xướng, họa liền trong ba ngày. Người nọ truyền người kia, những kẻ khá giả trong làng, trong xã rủ nhau đi xem. – Những người đến đầu tiên thất vọng ngay. Họ ghé mắt vào trong chẳng thấy lầu thơ đâu cả, chỉ thấy một đống lù lù hình người trùm chăn kín mít. Phía vách bên trên dán tờ giấy điều có chữ: “Trạng đang lột… cha đứa nào nói với đứa nào!” – Tự nhiên tốn tiền đò, mất công toi, bao nhiêu người bực mình ngán ngẩm. Toán người này về, vừa đặt chân lên cũng ngại câu chửi, chẳng ai buồn nói với ai, đã thấy toán khác, rồi toán khác nữa, lũ lượt kéo tới, tò mò ra. Người đi hỏi: Ở ngoài ấy có gì hay không? – Người về đáp: Trạng lột… cha đứa nào nói với đứa nào! – Kỳ lạ thật! Trạng lột… Lại cấm không ai được nói với ai. Thế thì chắc phải có cái gì bí mật lạ lung lắm! – Thế là một đồn mười, mười đồn trăm… Buổi đầu, đồn xướng họa thơ, chỉ thu hút đám người hâm mộ chữ nghĩa. Nhưng buổi sau thêm tiếng đồn Trạng lột… thôi thì bất kể trẻ, già, trai, gái ai cũng muốn tận mắt được xem. Mẹ con người hàng xóm đông khách quá. Mẹ một thúng, con một thúng thu tiền đò đếm mỏi tay không xuể… – Mấy hôm sau, Quỳnh đến bảo với người mẹ. Bây giờ chắc bác thừa tiền cưới dâu rồi. hãy bảo con trai bác đi dỡ cái “lều thơ” mang lá gồi và tre nứa về, nối them bếp mà làm cổ. -Bấy giờ hai mẹ con và dân làng mới rõ mẹo của ông Trạng cứu người nghèo. Để tỏ long kính trọng, người ta gọi luôn cái cồn kia là cồn Trạng lột. Hiện nay vẫn còn di tích ở giữa cánh đồng sâu xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa.
Trước Tiếp theo

Các bài viết liên quan

1. Gọi điện về nhà hỏi thăm tin tức (Tạo ngày: 1422847231)

2. Trung tâm máy tính (Tạo ngày: 1422847277)

3. Câu chuyện máy tính (Tạo ngày: 1422847471)

4. Tâm lý dân tộc các nước (Tạo ngày: 1422959155)

5. Những người dũng cảm nhất hành tinh (Tạo ngày: 1422959560)

6. Chuyến bay định mệnh (Tạo ngày: 1422960361)

7. Có chuyện gì thế ??? (Tạo ngày: 1423235511)

8. Dàn hoa lý nhà tôi cũng sắp đổ (Tạo ngày: 1423276551)

9. Con thanh tịnh (Tạo ngày: 1423490203)

10. Triết lý cùn (Tạo ngày: 1423539634)

Tất cả bình luận (0)

  • 500 ký tự
  • Capcha: