Vui Một Chút

Cười là vui, vui càng phải cười.

Trước Tiếp theo

06-09-2018

Khi Chung Nhi lên ba thì có hai người đỗ đại khoa vinh quy bái tổ về làng. Cả làng đổ ra đón rước. Chung Nhi được bố cho đi đón cùng. Thấy ông tân khoa ngồi trong kiệu đi trước, mũ mão cân đai chĩnh chện, Chung Nhi chỉ vào kiệu hỏi: – Bố ơi, ông này là ông gì hả bố? – Đấy là quan Trạng. Người bố trả lời. – Còn ông kia? Chung Nhi chỉ vào người ngồi chiếc kiệu đi sau. – À, quan Bảng đấy con ạ. – Ông nào to hơn hả bố? – Quan Trạng. – Thế to hơn quan Trạng là ai? – Quan Trạng là nhất, chẳng ai to hơn. – Vậy thì con sẽ làm quan Trạng bố nhé. Người bố xoa đầu Chung Nhi, cười, nhân đó nói đùa: – Quan Trạng của bố cũng vinh quy như ông kia chứ? Chung Nhi gật đầu: – Nhất định như thế! Giữa lúc đó có ông hàng xóm đứng sau, nghe hết câu chuyện của hai cha con, xen vào hỏi đùa: – Đỗ Trạng “nguyên” hay Trạng “dở”? Chung Nhi quay lại, nhận ra bác hàng xóm quen thuộc, bèn nói: – Tưởng người lạ hóa người quen! Ông hàng xóm vừa kinh ngạc thấy thằng bé mới lên ba mà nói năng gẫy gọn thành một vế đối rất chỉnh với lời nói của ông. Ông bảo bố Chung Nhi nên cho em đi học. Từ đó, ai cũng gọi Chung Nhi là “Trạng”.
Đi qua một ngôi chùa thâm nghiêm, tĩnh lặng, thấy phong cảnh đẹp, Chung Nhi và hai người bạn rủ nhau vào vãn cảnh. Họ dạo quanh một lúc thì đã tối. Vừa khi trăng lên, nhà sư ra mời vào trai phòng uống trà. Ba người mừng lắm, nhận lời. Trai phòng sạch sẽ, phong quang, gió đưa mùi hương thơm ngát. Nhìn cảnh trăng soi đáy nước, liễu rủ phất phơ, thấp thoáng sen hồ, ba người tưởng như lạc vào nơi bồng lai tiên cảnh. Nhà sư thấy khách vãn cảnh chùa ra dáng học trò đi thi, bèn đem giấy bút ra, xin ba thầy đề thơ làm kỷ niệm. Hai người bạn lĩnh giấy bút đề luôn hai bài thơ tức cảnh. Chung Nhi nghĩ bụng, không nhẽ mình cứ ngồi ỳ ra, e không tiện, liền cầm bút định viết bốn chữ tiếng lóng của lái lợn: "Thâm tinh lập lái", nghĩa là "Ba quan và mười hai quan". Nhưng vì không nhớ mặt chữ, nên chữ "lập" viết ra chữ "huyền", chữ "lái" viết ra chữ "lý". Thế là định viết "Thâm tinh lập lái" thì lại thành ra "Thâm tinh huyền lý", nghĩa là "Hiểu sâu lẽ nhiệm mầu". Nhà sư nhìn bốn chữ tuy nét bút không phải rồng bay phượng múa, nhưng ý nghĩa thật sâu sắc, tấm tắc khen mãi: – Văn từ hàm súc mà ý nghĩa lại rất hợp với cảnh chùa. Bần tăng lấy làm ái mộ lắm. Hai người bạn đồng hành cũng hết sức khâm phục và tôn đùa Chung Nhi là Trạng, còn Chung Nhi cũng nghiễm nhiên tự cho mình là Trạng thật. Hôm ấy nhà sư lưu ba thầy trò ở lại thết đãi trọng thể, tất nhiên là ăn chay. Ngâm vịnh thơ văn, luận bàn thi phú hết một đêm, Chung Nhi nhập tâm được nhiều lý lẽ cao siêu của nhà sư và hai bạn đồng hành. Sớm mai, ba người cáo từ lên đường, nhà sư đem oản chuối nhét đầy một tay nải, gọi là chút lễ mọn tiễn hành. Chắc cũng là bởi quá xúc động vì cái câu "Thâm tinh lập lái" viết sai mà thành "Hiểu sâu lẽ nhiệm mầu" ấy. Thật là "Thâm tinh huyền lý" vậy!
Buổi nọ, cả bọn đi qua một trang trại, tùng cúc tốt tươi, trúc mai sầm uất. Giữa cảnh ấy, Chung Nhi trông thấy một tiểu thư nhan sắc tuyệt vời đang cùng hai người thị tỳ hái hoa trong vườn. Chung Nhi ngắm nghía, mê mẩn tâm thần. Hiềm vì tường cao cổng kín, khó nỗi tìm vào. Đi một quãng, Chung Nhi bèn lập mẹo từ biệt hai người bạn kia, nói dối là phải vào thăm một người bà con ở gần đấy, nhân thể mời hai bạn cùng rẽ vào chơi. Hai người kia đương lo về thi cử, vội vàng từ chối: – Đường còn xa, nhật kỳ gần tới, quá vui lỡ bước, sau nữa làm sao. Thôi bác ở lại, chúng tôi đi trước. Lúc chia tay, Chung Nhi dặn: – Vậy thì xin mời nhị huynh trẩy kinh trước, mai kia đệ sẽ theo sau. Ngày hội ngộ hẳn cũng không xa. Trở lại nơi trang trại, Chung Nhi hỏi thăm mới hay trại đó là của quan trí sĩ họ Bùi. Bùi tướng công chỉ sinh được một gái, đặt tên là Phấn Khanh. Tiểu thư rất đoan trang, lại làu thông kinh sử và khéo léo trong mọi công việc tề gia, nên Bùi tướng công có ý kén rể hiền. Bữa ấy, tướng công đang ngủ trưa, chợt nằm mơ thấy có người gọi: “Tướng công dậy! Đón Trạng rể mới lại chơi vườn”. Tỉnh giấc, lấy làm kỳ dị lắm, nghĩ bụng: “Xưa nay ta có người rể nào là Trạng mà mơ lạ thế? Hay ta thử ra xem sao”. Đúng lúc Chung Nhi đang nghiêng nghiêng ghé mắt dòm vào chỗ tiểu thư và đám thị tỳ đang hái hoa, chợt tướng công chống gậy ra thăm vườn. Trông thấy người lạ, tướng công liền sai gia nhân ra gọi vào hỏi: – Thầy người đâu lại? Đứng đấy muốn hỏi gì? Chung Nhi luống cuống, toát mồ hôi, ấp úng trả lời: – Bẩm, tôi là học trò. Nhân trẩy kinh qua đây, thấy cảnh đẹp, trộm đứng ngoạn cảnh, có điều gì sơ suất, xin tướng công tha tội cho. Tướng công thấy Chung Nhi ăn nói nhún nhường, lại thấy mặt mũi khôi ngô, liền mời vào “Uyên ương đình” là nơi tướng công dựng lên để kén rể hiền, rồi sai dọn rượu thết đãi. Rượu ngà say, Chung Nhi nhìn “Uyên ương đình” thấy phong cảnh hữu tình, sực nhớ tới mấy bài thơ của hai người bạn đường làm khi vãn cảnh chùa, bèn rung đùi ngâm lên. Bùi tướng công nghe thơ hay, vui lắm, sai gọi tiểu thư lấy giấy hoa tiên chép lại để họa vần. Thật là một cuộc gặp gỡ kỳ thú, trăm năm mới có một lần. Giữa cảnh trăng trong gió mát, người đẹp hoa thơm, Chung Nhi cảm thấy hân hoan trong lòng dạ. Thế là tay nâng chén, miệng ngâm thơ, tuy chỉ là thơ nhập tâm của người khác, song cũng bội phần tâm đắc. Còn Phấn Khanh thì nâng bút họa lại, lời thơ cũng uyển chuyển, tỏ ra con nhà dòng dõi thi thư. Họa xong, tướng công ướm hỏi Chung Nhi: – Lão có tiện nữ đây, muốn cùng tuấn sĩ gá nghĩa sắt cầm, liệu có nên chăng, xin cho lão rõ? Chung Nhi khiêm tốn trả lời: – Kẻ hèn này được tướng công thương đến, đâu dám chối từ. Hiềm vì khoa thi sắp tới, xin tướng công cho hẹn đến ngày ra bảng. Nếu kẻ hèn này công thành danh toại, lúc đó sẽ trở về bái kiến tướng công, tưởng cũng không muộn. Tướng công vui vẻ gật đầu, càng phục Chung Nhi là người có chí, không vì nhi nữ thường tình mà quên nghiệp lớn. Phấn Khanh cũng từ tốn thưa rằng: – Dẫu năm chờ tháng đợi, thiếp mong chàng bẻ quế vinh quy, sẽ được nương nhờ dưới gối. Thật là: Một phen tri kỷ gặp người Ba sinh chắc có duyên trời chi đây.
Làng Thụy Chương xưa là một làng nổi tiếng về nấu rượu. Rượu ở đây thơm ngon đặc biệt. Mé trước làng ở ven hồ Tây có một ngôi chùa nhỏ. Thời Lê Trung Hưng, chùa đổ nát chỉ còn trơ một pho tượng tay chống gậy, xiêu vẹo, nghiêng ngả. Một hôm Quỳnh vào làng mua rượu, thấy pho tượng như vậy, mới làm mấy câu thơ đùa: Ông đứng chi mà đứng mãi đây? Dập dềnh như tỉnh lại như say, Vãi nào đã chuốc cho ông rượu? Còn có cho vay một nậm đầy? Tương truyền từ đó, dân làng ai cũng gọi tượng là “Phật say”.
Trước Tiếp theo

Các bài viết liên quan

1. Cuộc thi ở dơ (Tạo ngày: 1422957680)

2. Dòm nhà quan Bảng (Tạo ngày: 1422989609)

3. Những lời cầu hôn "hay nhất quả đất" (Tạo ngày: 1423205866)

4. Trạng chết Chúa cũng băng hà (Tạo ngày: 1423282569)

5. 31 điều xấu của girl..........đều do boy gây ra (Tạo ngày: 1423539443)

6. Cháy túi vì cô vợ mới quen (Tạo ngày: 1423547568)

7. Đập cột dọc (Tạo ngày: 1423551409)

8. Lý do ăn xin (Tạo ngày: 1423562948)

9. Khen hay chọc ngoáy? (Tạo ngày: 1424365382)

10. Chẳng còn nhìn thấy (Tạo ngày: 1424365721)

Tất cả bình luận (0)

  • 500 ký tự
  • Capcha: