Tài nói láo
06-09-2018
Có một anh giàu rất sành về khoa nói láo, những câu chuyện anh ta bịa ra thần tình, khéo léo đến nỗi nhiều người đã biết tính anh ta rồi, mà vẫn mắc lừa.
Nhờ cái tài ấy, anh ta nổi tiếng khắp vùng. Tiếng đồn đến tai quan. Một hôm, quan đòi anh ta đến nha môn, chỉ vào chồng tiền và một cây roi song to tướng để trên bàn:
– Ta nghe đồn anh nói láo tài lắm, lâu nay thiên hạ bị anh lừa nhiều rồi.
Bây giờ anh hãy bịa ra một chuyện gì lừa được ta thì ta thưởng cho ba mươi quan tiền. Trái lại, anh không lừa nổi ta, thì sẵn chiếc roi song kia, ta cho anh ba chục roi.
Anh nói láo nghe xong, gãi đầu gãi tai, bẩm:
– Lạy quan lớn, đèn trời soi xét. Quả bấy lâu nay con mắc tiếng oan, con có nói láo bao giờ đâu ạ! Nguyên con có ông tằng tổ đời xưa đi Sứ bên Tàu, đem về được một bộ sách nói toàn chuyện lạ, con xem thấy hay hay, đem kể lại, nhưng chẳng ai tin, cứ bảo rằng con nói láo…
Câu trả lời gợi tính tò mò của quan. Quan liền bảo:
– Thế à? Vậy anh có thể cho ta mượn xem được không?
– Trăm lạy quan lớn… Ngài xá cho, vì… con làm gì có sách ấy! Con nói láo đấy ạ!
Mô đất biết đi 2
Đang mùa phát đất, mà nước đầy ắp cánh đồng. Cái năm gì thiệt kỳ cục! Nước Sông Đốc màu ngà dâng lên, nước U Minh đen cuộn tràn xuống. Gió nam thổi hù hù. Trên ruộng mà sóng bủa ba đào. Chuột bọ, rắn rít hết chỗ dựa, trôi tấp vào các ngọn cây đeo có đùm. Nước U Minh đỏ thẫm như nước trà, chảy ngập tới đâu thì cây cỏ èo ọp tới đó. Lợi dụng lúc này phát đất là tốt nhất.
Bữa đó tui vác phản ra đồng như thường lệ. Nghĩa là nghe cúm núm kêu chừng hết canh tư thì tui đã có mặt ngoài ruộng. Đồng nước mênh mông ngập tới ba đì lạnh run lên, không tìm được một mô đất mà để viên đá mài phản. Tui lội vòng vo cho tới hừng đông, may thang gặp được một mô đất thật cứng, cao hơn mặt nước độ hai gang tay. Tui rề lại, để viên đá mài lên, ngồi mài phản. Mài "nước lớn", tui lại mài "nước ngót" rồi liếc mép. Xong đâu đó, tui còn mở gói thuốc giồng ra vấn một điếu hút phì phèo. Đến khi trời sáng rõ mặt, tui trực nhìn lên:
– Ủa ! Ở đâu mà vườn tược rậm rạp, trông lạ vậy kìa! Quái lạ ! Tại sao lại ở ngay hè nhà mình?
Rõ ràng, bên tay phải tui là cái chuồng trâu, tay trái chuồng heo, chính giữa có bếp nấu cơm. Bà vợ tui đang lom khom chụm bếp. Thiệt là như chiêm bao, tui không tài nào hiểu được. Cuối cùng tui phải cất tiếng kêu bả để hỏi sự tình. Chẳng ngờ bả chạy ra, ngẩng lên, vụt la oi ói :
– Bớ người ta ơi! Làm ơn cứu chồng tui!
Tui bật cười hỏi :
– Bộ bà điên rồi hả ?
Bả đứng nhìn tui mà mặt mày tái mét, đưa tay ngoắc:
– Ông ơi! Ông phóng xuống đây, chạy lại đây, mau đi!
Tui cười hề hề, thủng thỉnh bịt khăn đầu rìu qua trán, lấy cục đá mài, vác phản lên vai, bước xuống mô đất đi lại bên vợ tui. Bả nắm vai tui xoay ngược lại:
– Ông ngó trở lại coi, kìa !
Tui nhìn lại cái mô đất mình mới vừa bước xuống. Úy trời đất, thánh thần, thổ võ ơi! Con rùa! Con rùa vàng lớn quá trời! Té ra tui ngồi mài phản trên lưng nó hồi hôm tới giờ mà hỏng hay.
Thi nói khoác
Một hôm được nghỉ, bốn quan họp nhau đánh chén, nhân lúc cao hứng liền mở một cuộc thi nói khoác. Quan thứ nhất nói:
– Tôi còn nhớ, ngày tôi trọng nhậm ở huyện nọ, tôi được trông thấy một con trâu to lắm, nó liếm một cái hết cả sào mạ!
Quan thứ hai nói:
– Thế đã lấy gì làm lạ. Tôi còn trông thấy một sợi dây thừng to gấp mười cái cột đình làng này!
Quan thứ nhất biết ông kia nói lỡm mình, bèn chịu thua và giục quan thứ ba lên tiếng:
Quan thứ ba nói:
– Tôi đã từng thấy một cây cầu dài lắm, đứng đầu này không thể trông thấy đầu kia. Chỉ biết rằng có hai bố con nhà nọ, kẻ ở bên này, người ở bên kia mà chẳng bao giờ gặp nhau được. Lúc ông bố chết, người con nghe tin, vội vã sang đưa đám ma, nhưng khi qua cầu sang đến nơi thì đã đoạn tang được ba năm rồi!
Đến lượt quan thứ tư:
– Thế kể cũng đã ghê đấy. Nhưng tôi lại còn trông thấy một cái cây cao khủng khiếp lắm! Cứ biết rằng trứng chim ở ngọn cây rơi xuống mới đến nửa chừng, chim đã nở đủ lông đủ cánh và đã bay đi rồi.
Quan thứ ba hiểu ý, muốn nói cây dùng để làm cái cầu mình nói, đành chịu thua.
Bốn ông quan đắc ý, vỗ đùi cười ha hả.
Bỗng có tiếng thét thật to làm các quan giật bắn người:
– Đồ nói láo cả! Lính đâu? Trói cả chúng nó lại cho ta!
Các quan sợ run cầm cập, ngơ ngác nhìn trước nhìn sau xem ai thì té ra là anh lính hầu. Lúc ấy, quan mới lớn giọng:
– Thằng kia, mày định trói ai thế?
– Bẩm quan, con thấy các quan thi nhau nói khoác thì con cũng nói khoác chơi đấy ạ!
Viết chữ thờ
Vùng Lệ Thủy người ta gọi học trò là thầy khóa. Hồi còn là "thầy khóa", nhà bố vợ lập cái bàn thờ nhỏ ở nơi bếp, ông bảo Phủ Tuấn:
– Khóa Tuấn học hành xưa nay, bây chừ viết cho tui mấy chữ để thờ.
Khóa Tuấn liền lấy giấy bút viết hai chữ lớn : "TUẤN CAO". Ông bố vợ không biết chữ, kính cẩn treo lên bàn thờ. Một hôm, có người khách trông thấy hỏi :
– Chữ thờ trong bếp răng lại "Tuấn Cao". Anh Tuấn đã chết đâu mà bác lập bàn thờ.
Bố vợ sửng sốt, gọi khóa Tuấn đến trách:
– Tưởng mi học hành khá, tui nhờ viết chữ thờ, ai ngờ mi lại viết tên mi để thờ !
Khóa Tuấn thưa :
– Bẩm thầy! Ai nói rứa là họ chưa thông đấy thôi. Con viết đúng ý thầy đó ạ "Tuấn cao" nghĩa là "Táo quân". Ở bếp thờ táo quân răng gọi là dốt được !
Trước
Tiếp theo